Bình Định: Khám phá nghệ thuật kiến trúc tháp Hòn Chuông

(Xây dựng) – Tháp Hòn Chuông có kiến trúc độc đáo về hình dáng chưa từng thấy trong nghệ thuật Champa. Tọa lạc trên đỉnh núi cao khoảng 800m so với mặt nước biển, tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam. Ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đang tìm hướng tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Hòn Chuông trở thành điểm đến du lịch.

Bình Định: Khám phá nghệ thuật kiến trúc tháp Hòn Chuông
Tháp Hòn Chuông có độ cao 800m so với mặt nước biển.

Tháp Hòn Chuông hiện ở thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm trên đỉnh núi thuộc khu vực phía Bắc của dãy núi Bà. Dãy núi Bà cách thành phố Quy Nhơn 20km về phía Bắc và cách thị trấn Ngô Mây, trung tâm hành chính của huyện Phù Cát 12km về phía Đông.

Dãy núi Bà là một hệ thống dãy núi với nhiều ngọn núi khác nhau, chạy theo hướng Bắc-Nam, tách biệt hoàn toàn với dãy Trường Sơn. Do nằm ở vị trí phía Đông của tỉnh Bình Định gần giáp với biển, nên dãy núi Bà như một tấm bình phong che chắn khu vực đồng bằng Bình Định rộng lớn.

Tháp Hòn Chuông được đặt theo tên tảng đá trên một đỉnh núi thuộc dãy núi Bà. Đây là đỉnh núi cao thứ hai trong hệ thống các dãy núi Bà, có độ cao 800m so với mặt nước biển, chỉ sau đỉnh cao nhất là đỉnh Chóp Vung có độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Ở phía trước tảng đá Hòn Chuông còn có một tảng đá khác nhỏ hơn đứng bên cạnh, nhìn từ xa giống như một người lớn dắt tay một đứa nhỏ. Vì vậy, Hòn Chuông được người dân địa phương gọi là Hòn Vọng Phu.

Bình Định: Khám phá nghệ thuật kiến trúc tháp Hòn Chuông
Tháp Hòn Chuông có kiến trúc độc đáo về hình dáng.

Tháp Hòn Chuông có kiến trúc độc đáo về hình dáng chưa từng thấy trong nghệ thuật Champa. Nếu như các tháp Champa khác được xây với tường thẳng và hệ thống cột ốp, vòm cửa với nhiều họa tiết trang trí, có mái giật cấp thu dần lên trên, thì tháp Hòn Chuông có tường tháp xây thóp dần lên trên đỉnh tháp, mặt bằng mái tháp nhỏ, toàn bộ ngôi tháp không có hoa văn trang trí.

Nhìn trong không gian rộng lớn hơn, có thể thấy tháp Hòn Chuông như tựa vào đỉnh Chóp Vung ở phía Tây và nhìn ra vùng biển ở phía Đông. Tọa lạc trên đỉnh núi có độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển nên tháp Hòn Chuông được xem là ngôi tháp Champa còn tồn tại có vị trí xây dựng cao nhất Việt Nam.

Bình Định: Khám phá nghệ thuật kiến trúc tháp Hòn Chuông
Cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông.

Vào năm 1993, trong đợt khảo sát tại khu vực dãy núi Bà để làm hồ sơ di tích khu căn cứ cách mạng, cán bộ Bảo tàng tỉnh Bình Định phát hiện một kiến trúc nằm trên một tảng đá to, cao sừng sững, tục gọi là Hòn Chuông mà từ trước đến nay không thấy tư liệu nào đề cập đến. Khảo sát dưới nền đất xung quanh chân của tảng đá, các cán bộ Bảo tàng phát hiện rất nhiều mảnh gạch Chăm, cùng các mảnh ngói mũi lá và ngói gắn gốm hình sừng bò.

Bước đầu, các cán bộ của Bảo tàng Bình Định xác định đây là một kiến trúc tháp Champa, nên đã lấy tên tảng đá đặt cho tên tháp là tháp Hòn Chuông và bổ sung thêm di tích này vào danh mục tháp Champa tại Bình Định lên thành 8 cụm với 14 tháp.

Đến năm 2013, tháp Hòn Chuông được đưa vào hệ thống tra cứu trên website bản đồ Khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh Bình Định. Đây là một công trình nghệ thuật kiến trúc Chămpa rất đặc biệt và độc lạ ở huyện Phù Cát nay đã xuống cấp mà chưa được tôn tạo, trùng tu. Ngành văn hóa tỉnh Bình Định đang tìm hướng tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Hòn Chuông.

Bình Định: Khám phá nghệ thuật kiến trúc tháp Hòn Chuông
Mặt phía Bắc của tháp Hòn Chuông.

Ông Phạm Đức Vinh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phù Cát cho biết: Thời gian qua có một số đoàn đến khảo sát và nghiên cứu về tháp Hòn Chuông, nhưng vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về hiện trạng cũng như các thông tin cụ thể về tháp này. Trong đoàn khảo sát vừa qua, một vài nhà khảo cổ học nói về cấu trúc xây dựng tháp Chăm này, nhưng chưa khảo sát cụ thể, chưa đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, nhìn cấu trúc xây dựng thì có thể tháp Hòn Chuông xây dựng trước tháp Bánh Ít của tỉnh Bình Định. Đề xuất của huyện là trong thời gian tới tỉnh Bình Định, cũng như các bộ, ngành có hướng hỗ trợ địa phương để tu bổ, phát huy di tích điểm tháp này.

Ông Tạ Xuân Chánh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết thêm: Ngành Văn hóa đang tiếp tục lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở sẽ đề xuất việc đầu tư và bổ sung kinh phí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với các di tích như: Tháp Phú Lốc, tháp Bình Lâm, tháp Đôi, tháp Hòn Chuông. Mới đây, Sở đã cử đoàn công tác lên khảo sát tháp Hòn Chuông. Sắp tới Sở xin chủ trương tiến hành nghiên cứu, tu bổ tháp Hòn Chuông, xây dựng nơi đây trở thành điểm đến đặc biệt của tỉnh Bình Định.

Ông Tạ Xuân Chánh chia sẻ: Chúng tôi khảo sát nắm toàn bộ tình hình, trước hết xin chủ trương đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bởi vì đây di sản Quốc gia. Đồng thời xin ý kiến của UBND tỉnh Bình Định để qua khảo sát đề xuất chủ trương. Sắp tới đây, chúng tôi báo cáo UBND tỉnh đề xuất mở con đường vào tháp Hòn Chuông. Khảo sát để tạo ra một điểm đến của Bình Định, phát huy giá trị di tích. Cái này muốn đầu tư không phải ngày một, ngày hai mà phải có một thời gian dài nghiên cứu hết sức kỹ và gắn với việc phát triển du lịch địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích