Hàng rào chắn sóng nhân tạo lấy cảm hứng từ các rạn san hô

Hàng rào chắn sóng nhân tạo lấy cảm hứng từ các rạn san hô

Một startup ở Hà Lan có tên Reefy đã tạo ra các hàng rào chắn sóng lấy cảm hứng từ rạn san hô cho các khu vực ven biển đang chịu ảnh hưởng của tình trạng nước biển dâng.

Công ty trên đang tiến hành nghiên cứu phát triển các khối gạch khổng lồ giống như miếng ghép Lego trên biển với hy vọng giúp bảo vệ bờ biển, đồng thời tạo thành nơi cư ngụ cho các loài sinh vật biển như cá, hàu, trai…

Hà Lan: Hàng rào chắn sóng nhân tạo lấy cảm hứng từ các rạn san hô
Ảnh: ITN

Trang Wired.com giới thiệu, các khối mô-đun này được làm từ bê-tông carbon thấp và có bề mặt sần sùi, gợn sóng nhằm thu hút hàu và trai, đồng thời phải đủ nặng để chống lại lực sóng do các con tàu gây ra. Trên mỗi khối mô-đun có 3 lỗ hổng để cho phép một lượng nước chảy qua. Đồng thời Reefy cũng đang thử nghiệm một loại sơn thân thiện – “sơn rạn san hô” có bổ sung các khoáng chất như canxi để thu hút hàu bám lên các khối mô-đun này.

Đặc biệt, Reefy thiết kế các khối vật liệu với các phần lồi tròn ở trên cùng để chúng có thể xếp chồng vào nhau, tạo điều kiện để có thể thi công, sắp xếp chúng theo các bố cục khác nhau tùy thuộc vào địa điểm và phù hợp với các loài sinh vật biển sống trong khu vực.

Để thử nghiệm sức bền và hiệu quả của sản phẩm mới, gần đây các nhà khoa học đã hạ các khối mô-đun này xuống khu vực vùng biển xung quanh cảng Rotterdam (Hà Lan), cảng biển lớn nhất châu Âu với đến hàng chục nghìn con tàu ra vào mỗi năm. Với 17 khối gạch, Reefy đã thành công trong việc tạo nên một con đê chắn sóng dài 24m, cao gần 3m. Dự án được hy vọng sẽ là một rạn san hô nhân tạo giúp khôi phục đa dạng sinh học biển và đóng vai trò như một rào chắn sóng bền vững.

Rạn san hô và rạn hàu đều là những hàng rào tự nhiên tốt nhất giúp bảo vệ bờ biển. Theo các nghiên cứu khoa học, các rạn san hô có thể làm tiêu tan 97% năng lượng sóng trước khi nó chạm tới bờ biển, giúp bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi tình trạng nước biển dâng do bão và ngăn ngừa xói mòn trên các bãi biển. Tuy nhiên, các rạn san hô và rạn hàu trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Sản phẩm hàng rào chắn sóng nhân tạo của Reety được kỳ vọng sẽ thay thế các rạn san hô, rạn hàu tự nhiên. Reefy sẽ làm việc với các tổ chức khoa học địa phương để tìm hiểu xem liệu mức độ đa dạng sinh học ở khu vực này có tăng lên hay không trước khi nhân rộng mô hình này đến những vùng biển khác.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích