Hoàn thiện quy hoạch để TP. Hồ Chí Minh “hóa rồng”
Trung tâm giao thương quốc tế
Theo Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch lần này là hướng tới phát triển TP trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Hoàn thiện công tác quy hoạch đô thị sẽ giúp TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn.Ảnh Viết Dũng |
TP.HCM được xác định sẽ là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo. Là một trong những trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và Châu Á và là đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong Vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế. TP còn là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam; là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam Bộ, cả nước và khu vực biển Đông.
Về quy hoạch đô thị, Nghị quyết 98/2023/QH15 vừa qua của Quốc hội cũng đã trao quyền nhiều hơn cho TP về quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường như Hội đồng nhân dân TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
UBND TP được phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại; có trách nhiệm tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí được quy hoạch hoán đổi và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quỹ đất được hoán đổi. Ngoài ra UBND TP cũng được quyết định và thực hiện thủ tục đầu tư, thủ tục quy hoạch xây dựng và thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định căn cứ hợp đồng BT đã ký kết…
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch
Thời gian qua, mặc dù công tác quy hoạch đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của TP. Tuy nhiên quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm điều chỉnh về quy hoạch. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM: Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn xa, công tác phân tích và dự báo về thị trường còn thiếu tin cậy; tính khả thi chưa cao. Chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, phải điều chỉnh trước thời hạn. Trong khi đó, các quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ, triển khai chậm, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Việc tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch chưa thực sự hiệu quả, nhiều khi mang tính hình thức.
Trên cơ sở đó, để hoàn thiện công tác quy hoạch cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, kết cấu đô thị đang quá tải, lạc hậu cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Chính phủ đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060. Hiện nay chính quyền các cấp, các sở ngành TP đang khẩn trương hoàn thiện công tác lập quy hoạch điều chỉnh theo từng nhóm lĩnh vực, địa bàn.
Vào cuối tháng 4/2023, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã phối hợp cùng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam và Công ty TNHH Không Gian Xanh ký kết hợp đồng nguyên tắc nghiên cứu tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cũng đã hoàn tất công tác rà soát dân số toàn TP để phục vụ cho đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 6/2023 UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040. Theo đó thành phố Thủ Đức được quy hoạch là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao, trung tâm phía Đông của TP.HCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Đồng thời là đầu mối kết nối trung tâm hiện hữu TP.HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các đô thị, khu chức năng trọng điểm phía Đông của vùng TP.HCM. Thành phố Thủ Đức sẽ có cấu trúc đô thị đa trung tâm với một trung tâm chính là khu Thủ Thiêm, 2 trung tâm cấp thành phố Thủ Đức tại khu Trường Thọ và khu vực Long Phước.
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, TP đã và đang triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như vành đai 3, gần hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), di dời cụm cảng trên sông Sài Gòn…; đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4, điều chỉnh một số nội dung tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), xây dựng đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, xem xét đến định hướng phát triển khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất với mô hình khu đô thị sân bay…
Vừa qua Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm TP, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm. TP đã đưa không gian ngầm vào nội dung quy hoạch vì đây là nguồn tài nguyên đang bị lãng quên, lãng phí trong nhiều năm qua. Trước mắt TP sẽ nghiên cứu triển khai ở khu trung tâm hiện hữu 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm, dọc theo lõi tuyến metro. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để TP có thể triển khai nhanh dự án các bãi giữ xe ngầm trong công viên, đáp ứng nhu cầu bức bách về đỗ xe khu vực trung tâm TP.
Xuân Tình
Nguồn: Báo lao động thủ đô