Nghiên cứu các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới trong môi trường nước

Nghiên cứu các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới trong môi trường nước

“Các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới” trong môi trường nước là các chất được tìm thấy ở nồng độ vết như các hóa chất công nghiệp, dược phẩm và hormone tự nhiên/tổng hợp, hóa chất trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân…

Thông tin được tác giả Trương Thị Ngọc Thảo, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề cập trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Môi trường với chủ đề “Sự hiện diện và tính nguy hại của “Các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới CECs” trong môi trường nước mặt và nước cấp cho sinh hoạt ở Việt Nam”.

Nhận định các chất ô nhiễm đáng quan ngại mới trong môi trường nước
Ảnh minh hoạ. ITN

Nghiên cứu cho biết, chất gây ô nhiễm đáng lo ngại mới (Contaminants of Emerging Concern CEC) là một thuật ngữ được các chuyên gia chất lượng nước sử dụng để mô tả các chất gây ô nhiễm đã được phát hiện trong các mẫu giám sát môi trường, có thể gây ra tác động đến hệ sinh thái hoặc sức khỏe con người và thường không được quy định theo luật môi trường hay các quy chuẩn hiện hành.

Các nguồn gây ô nhiễm này bao gồm nông nghiệp, dòng chảy đô thị và các sản phẩm gia dụng thông thường (chẳng hạn như xà phòng và chất khử trùng) và dược phẩm được xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải và sau đó thải ra nguồn nước mặt.

Các chất gây ô nhiễm mới được biết là gây ra hoạt động phá vỡ nội tiết và các cơ chế độc hại khác, một số được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) công nhận là chất gây ung thư.

Như vậy có thể thấy, CECs là một nhóm đa dạng các chất hóa học gần đây đang được chú ý do các nguy cơ rủi ro tác động bất lợi tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường.

Có ít nhất hơn 500 loại CECs đã được phát hiện. Trong nghiên cứu, tác giả đã phân nhóm theo nguồn gốc của chúng. Từ đó CECs được phân làm 5 nhóm: (1) Dược phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân (PPCPs), (2) Hợp chất gây rối loạn nội tiết, (3) Hóa chất công nghiệp, (4) Thuốc bảo vệ thực vật, (5) Vi nhựa.

Theo nghiên cứu, nước thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp là nguồn chính phát sinh CECs, từ đó đi vào môi trường nước dưới đất, nước mặt. Bên cạnh đó là nguồn phát sinh CECs từ chất thải của con người, hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản cũng có khả năng gây ô nhiễm nước mặt và ngước ngầm.

CECs có khả năng đi vào chu trình nước qua các dòng nước thải đô thị, nước mưa chảy tràn vào sông, trực tiếp, hoặc thấm và ngấm vào mực nước ngầm, cuối cùng đi vào hệ thống cấp nước công cộng. CECs có khả năng gây ra rối loạn hoạt động nội tiết và các cơ chế độc hại khác, một số được Cơ quan Bảo vệ Môi trường công nhận là chất gây ung thư.

Nghiên cứu đã làm sáng tỏ tính nguy hại của CECs, hiện trạng hiện diện CECs tại Việt Nam và một số tiêu chuẩn hiện hành đối với CECs trong môi trường nuớc. 

Theo nghiên cứu, ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật là loại CECs có số lượng hợp chất được phát hiện cao nhất. Do đó, ô nhiễm thuốc trừ sâu trong nguồn nước uống là một mối quan tâm lớn đối với các nhà máy xử lý nước thải, đặc biệt là ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hoạt động nông nghiệp như Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá sự hiện diện của CECs trong nguồn nước thô và nước sinh hoạt cũng như hiệu quả xử lý CECs của các nhà máy nước cấp. Vì vậy nghiên cứu đưa ra khuyến nghị thời gian tới, các nghiên cứu sẽ tập trung đến việc đánh giá định lượng sự hiện diện một cách định lượn các hợp chất CECs của nguồn nước thô (nước mặt), nước sinh hoạt trong mạng lưới phân phối nước cấp đến người dân và hiệu quả xử lý CECs trong các nhà máy cấp nước sạch, từ đó hướng đến tìm các giải pháp cấp nước sạch an toàn cho người dân.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích