HÀ NỘI: Nhiều dự án lùi tiến độ, chậm bàn giao vì dịch
Nhiều chủ công trình, dự án trên địa bàn Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án xây dựng nhưng trong số này loạt dự án xác định chậm tiến độ, phải lùi thời gian bàn giao do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Dự án “đắp chiếu”, “phủ bụi” vì dịch
Theo ghi nhận của PV, sau khi UBND thành phố ban hành Chỉ thị 22/CT-UBND nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, một số chủ đầu tư công trình nhà ở tại quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai đã liên hệ đến các cơ quan chức năng để hỏi về việc tiếp tục xây dựng trở lại sau thời gian dài phải tạm dừng do giãn cách xã hội.
Anh Minh Quân (chủ thầu xây dựng tại quận Hoàng Mai) cho biết, công trình nhà ở của anh theo đúng tiến độ sẽ có thể bàn giao cho khách vào tháng 9 này. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến công việc đình trệ phải lùi tiến độ bàn giao. “Hiện nay, 5 công nhân ở lại phát sinh chi phí lớn, chưa kể không có kế hoạch để đưa công nhân thời vụ về hỗ trợ hoạt động”, anh Quân nói.
Nhiều công trình, dự án “đắp chiếu”, “phủ bụi” sau 2 tháng Hà Nội giãn cách xã hội. |
Tình trạng tương tự tại các dự án, ghi nhận tại dự án Khu nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch K-1 (Nhà ở Phương Canh, quận Nam Từ Liêm), nằm ngay mặt đường 32 đoạn cổng chào huyện Hoài Đức. Công trình trong tình trạng “cửa đóng then cài”, “đắp chiếu” gần 2 tháng, công trường vắng lặng, thang vận, giàn giáo, biển quảng cáo phủ bụi..
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch xã Vân Canh, Hoài Đức cho biết, trên địa bàn xã có 32 công trình nhà dân và 2 dự án khu đô thị được cấp phép xây dựng trở lại. Hiện xã cũng đã chấp thuận cho một số công trình đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Phương án đảm bảo công tác phòng dịch do chủ đầu tư ngoài những quy định chung như đảm bảo nguyên tắc 5k, test, đo nhiệt độ… còn phải cam kết, chỉ lao động địa phương mới được đi lại, đối tượng khác phải ăn uống, sinh hoạt tại công trình.
Đại diện UBND huyện Hoài Đức cho biết, các công trình nhà ở riêng lẻ đều phải có cam kết với UBND xã về chống dịch để tiếp tục thi công; các dự án thì phải có phương án thi công đảm bảo phòng chống dịch được UBND huyện phê duyệt. “Đến nay, vẫn còn nhiều công trình vẫn chưa thi công do chưa sắp xếp được công nhân”, đại diện huyện thông tin.
Đối với các khu vực thuộc vùng 1 trước đây (gồm 10 quận, huyện nội thành) thì vẫn đang chờ hướng dẫn. Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện có khá nhiều dự án đang chờ được phép xây dựng, tuy nhiên quận vẫn đang chờ hướng dẫn của ngành dọc là Sở Xây dựng.
Trước đó, quận cũng đã yêu cầu các chủ công trình gửi phương án thi công đảm bảo phòng chống dịch và cam kết. “Sau khi được các phường phê duyệt phương án và có hướng dẫn của Sở các công trình sẽ được triển khai”, đại diện quận Hai Bà Trưng nói.
Dự án vỡ tiến độ, chậm bàn giao
Anh Trần Văn Tuấn, chủ đầu tư dự án trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho hay, dừng triển khai xây dựng dài nên dự án của anh sẽ bàn giao chậm tiến độ so với thời gian cam kết với khách hàng. Sau quá trình trao đổi, khách hàng chia sẻ và đều chấp thuận “kích hoạt” điều khoản bất khả kháng.
Nhiều dự án đã phải lùi thời hạn bàn giao nhà cho khách hàng. Ảnh minh họa. |
Cũng theo ông Tuấn, để được hoạt động trở lại, chủ đầu tư và nhà thầu phải xin chấp thuận của cơ quan cấp quận và đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, nhà thầu sẽ chia nhân sự làm 3 ca hoạt động liên tục. Mỗi ca có 13 nhóm thợ ứng với 13 chuyên môn xây lắp khác nhau. Các nhóm hoạt động độc lập, trao đổi qua đàm, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các bộ phận.
Doanh nghiệp chủ động tiêm phòng 2 mũi cho cán bộ, công nhân, bố trí phòng trọ cố định cho công nhân để không tiếp xúc với người bên ngoài có nguy cơ lây nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 nguy hiểm, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Các dự án tại các địa phương thực hiện giãn cách hầu hết phải dừng thi công. Hoạt động sản xuất, cung cấp vật liệu: sắt thép, thiết bị xây dựng… bị đứt gãy.
Bản thân các địa phương cũng tập trung chống dịch, chưa hoặc chậm xem xét, tháo gỡ các thủ tục, pháp lý, phát triển dự án nên tác động trực tiếp đến nguồn cung của dự án.
“Đặc thù BĐS không giống các sản phẩm khác, tiền vào tài khoản thì đưa hàng đến ngay. BĐS là phải công chứng, hợp đồng, thuế, bàn giao… những cái đó không thực hiện được thì không có giao dịch. Thêm vào đó, việc hạn chế xây dựng do giãn cách xã hội sẽ áp lực về thời gian bàn giao, chậm bàn giao, chậm tiến độ”, ông Đính nói.
Nguồn: Báo xây dựng