Triều Khúc – Dấu ấn làng cổ trong lòng phố

Là một trong 8 ngôi làng cổ nhất Hà Nội, làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì luôn lưu giữ những nét cổ kính đặc trưng của ngôi làng Bắc Bộ xa xưa. Đó là khung cảnh làng quê đầy thơ mộng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình và nổi bật hơn hết là nghề dệt truyền thống nơi đây.

Cứ hễ nhắc đến nghề dệt, người ta lại nghĩ đến làng nghề Triều Khúc. Một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi của làng là dải lụa làm quai cho nón quai thao. Những chiếc quai mềm mại được dệt bằng lụa tơ tằm là điểm nhấn nổi bật tạo nên chiếc nón quai thao đầy duyên dáng. Từ đó, nón quai thao đã đi vào đời sống thường nhật của người dân Bắc Bộ một thời, đi vào thơ ca và cả phim ảnh như một truyền thống của người Việt. Chính vì vậy mà làng Triều Khúc còn có tên gọi khác là làng Đơ Thao hay Kẻ Thao.

dệt Triều khúc

dệt Triều khúc

dệt Triều khúc

Kể về sự tích làng nghề, ông Nguyễn Hữu Trí, người đã gắn bó lâu năm với ngôi làng cổ cho biết: “Nghề dệt thao nơi đây đã có từ thế kỉ XVI nhờ cụ Vũ Sứ Thần đi sứ sang Trung Quốc học được, về truyền dạy cho dân làng. Từ đó đến nay, cứ cha truyền con nối, nghề dệt truyền thống được lưu giữ như một “linh hồn” không thể thiếu nơi đây. Để tưởng nhớ cụ, năm 1924, dân làng đã xây nhà thờ tổ nghề bên cạnh chùa Hương Vân”.

Có thể nói, lúc bấy giờ, nghề dệt thao chính là “miếng cơm, manh áo” của dân dàng Triều Khúc. Tuy nhiên, khi nhu cầu xã hội thay đổi, các nền văn hóa hiện đại du nhập vào nước ta, nón quai thao cũng dần ít ưa chuộng, người Triều Khúc đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm như những đồ vật thờ và trang trí treo những ngày lễ Tết, đến những mặt hàng thiết yếu như khăn mặt, khăn bông, khăn quàng xuất khẩu…

làng nghề Triều Khúc

 

dệt Triều khúc

Đặc biệt, nhờ có kỹ thuật dệt cổ truyền tinh xảo, người dân làng dệt Triều Khúc được nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là sản xuất băng, huân chương phục vụ cách mạng những năm 50 của thế kỷ trước. 

“Từ khoảng năm 1950, làng chúng tôi được giao nhiệm vụ sản xuất băng, huân chương. Đây là niềm vinh dự nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ cách mạng vô cùng quan trọng với người dân lúc đó. Không được trực tiếp ra chiến trường phục vụ Tổ quốc nên chúng tôi xem đây như cách để tạo động lực cho các chiến sỹ phương xa”, ông Trí tự hào chia sẻ.

dệt

dệt

Đặc biệt, thời đó các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công, trên những chiếc máy dệt cũ do các nghệ nhân chế tạo. Từng họa tiết, hoa văn đều cầu kỳ tinh tế, không chỉ gửi gắm tài năng, sự thông minh, sáng tạo mà còn gửi gắm cả tâm hồn của người làm nên. 

Những tấm chân chỉ hạt bột được làm rất tỉ mỉ với các sợi chỉ mảnh mai tết đan xen cùng quả gỗ tạo nên một dải đa màu sắc. Từ đó, những dải băng huân chương đúng tiêu chuẩn, bền, đẹp được ra đời.

Bà Nguyễn Thị Hiền – người làm nghề dệt nhiều năm ở Triều Khúc chia sẻ: “Nghề làm dệt cần phải tỉ mỉ, đều tay, cẩn thận để không bị rối chỉ. Nguyên liệu được chọn phải là chỉ màu đẹp, tơ bóng, như vậy sản phẩm dệt lên mới nổi bật.

Đặc biệt, một trong những khâu khó nhất là nhuộm màu. Người thợ phải nhuộm sợi tơ tằm sao cho giống hệt với màu trong mẫu vẽ, nếu pha màu sai quy cách một chút cũng coi như hỏng một mẻ nhuộm”.

dệt Triều khúc

dệt Triều khúc

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biết bao thế hệ người dân Triều Khúc vẫn đang tiếp nối việc gìn giữ và phát huy làng nghề truyền thống; đưa làng nghề từ những khó khăn ở bên bờ vực giải thể đến phát triển thành nghề trụ cột đem lại thu nhập cho bao người lao động. Đặc biệt hơn, sự hiện hữu của làng nghề còn thể hiện sự gìn giữ những tinh hoa thủ công của ông cha, góp phần tôn vinh vẻ đẹp và những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất kinh kỳ.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích