Những tiêu chuẩn an toàn về đồ chơi trẻ em tổ chức kinh doanh cần phải biết
Trước sự phát triển đại trà muôn vàn các loại đồ chơi trên thị trường thì không ít phụ huynh phải đau đầu với việc lựa chọn đồ chơi như thế nào để phù hợp với sự phát triển của con, quan trọng hơn tất cả là đồ chơi đảm bảo an toàn cho con, bởi không phải đồ chơi trẻ em nào cũng tốt và an toàn.
Những món đồ chơi trẻ em là công cụ đầu tiên mà cha mẹ có thể dạy cho con của mình những bài học giá trị học thông qua chơi, và như thế cần phải tích trữ những món đồ chơi cho phù hợp. Ngoài việc, suy nghĩ chọn món đồ chơi con có thích hay không, món đồ chơi đó con đã có chưa hay liệu con có học được gì khi chơi,…của các bậc phụ huynh, và đặc biệt cần quan tâm đến sự an toàn của các món đồ chơi để giúp ích cho việc trẻ có thể tư duy về trí tuệ, trí tò mò, óc tưởng tượng và nuôi dưỡng năng lực sáng tạo kích thích não bộ phát triển toàn diện.
Đồ chơi an toàn cho trẻ em là những đồ chơi đảm bảo thỏa mãn tối thiểu các yêu cầu sau: an toàn về hóa học, về cơ lý, về điện – điện tử, về cháy nổ và an toàn về âm thanh. Do đó khi chọn đồ chơi trẻ em các bậc phụ huynh nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, có các chứng nhận an toàn được Cơ quan có thẩm quyền cấp, phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định.
Để giữ cho trẻ em không bị tổn thương chính là một trong những tác dụng của việc sử dụng hiệu quả các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế ISO về An toàn cho đồ chơi. Và những tiêu chuẩn này luôn được cập nhật, sửa đổi và soát xét để đảm bảo đề cập đến mọi khía cạnh về an toàn đối với đồ chơi cho trẻ em.
Như ở Việt Nam thì có dấu CR hay ở châu Âu thì có dấu CE. Vì những chứng nhận này xác nhận sản phẩm đồ chơi đó đã được kiểm soát. Và lưu ý sản phẩm phải có tiếng Việt, nêu rõ độ tuổi, công dụng, hướng dẫn cách chơi và những cảnh báo nếu có. Cha mẹ cũng nên đọc và hiểu rõ những điều này để hướng dẫn bé chơi an toàn. Đặc biệt nên biết những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia nào về đồ chơi trẻ em để có cách lựa chọn an toàn trước ‘rừng’ đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ cần dựa vào những tiêu chuẩn quốc gia để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em an toàn quốc tế
Bộ TCVN 6238, An toàn đồ chơi trẻ em, gồm các phần sau:
TCVN 6238-1:2011 (ISO 8124-1:2009), Phần 1: Các yêu cầu an toàn liên quan đến tính chất cơ lý.
TCVN 6238-2:2008 (ISO 8124-2:2007), Phần 2: Yêu cầu chống cháy.
TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010), Phần 3: Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại.
TCVN 6238-4A:2011 (ISO 8124-4:2010), Phần 4A: Đu, cầu trượt và các đồ chơi vận động tương tự sử dụng tại gia đình.
TCVN 6238-4:1997 (EN 71-4:1990), Phần 4: Bộ đồ chơi thực nghiệm về hóa học và các hoạt động liên quan.
TCVN 6238-5:1997 (EN 71-5:1993), Phần 5: Bộ đồ chơi hóa học ngoài bộ đồ chơi thực nghiệm.
TCVN 6238-6:2015 (ISO 8124-6:2014), Phần 6: Một số este phtalat trong đồ chơi và sản phẩm dành cho trẻ em.
TCVN 6238-8:2015 (ISO/TR 8124-8:2014), Phần 8: Hướng dẫn xác định tuổi sử dụng; TCVN 6238-9:2010 (EN 71-9:2005), Phần 9: Hợp chất hóa học hữu cơ – Yêu cầu chung.
TCVN 6238-10:2010 (EN 71-10:2005), Phần 10: Hợp chất hóa học hữu cơ – Chuẩn bị và chiết mẫu.
TCVN 6238-11:2010 (EN 71-11:2005), Phần 11: Hợp chất hóa học hữu cơ – Phương pháp phân tích.
Các quy định mới tại Quy chuẩn Việt Nam cho các cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em
Các loại đồ chơi trẻ em không đảm bảo chất lượng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe cho trẻ khi tiếp xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, thể chất của các em, có nguy cơ trực tiếp gây ra các sát thương bên ngoài, gián tiếp gây nhiễm một số hóa chất độc hại cho trẻ em khi sử dụng. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em cần lưu ý một số quy định mới sau đây:
Không được kinh doanh, mua bán các đồ chơi trẻ em không còn được phép lưu thông trên thị trường: Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN ngày 30/9/2019 của Bộ KHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đồ chơi trẻ em – QCVN 3:2019/BKHCN thay thế cho QCVN 3:2009/BKHCN, đã quy định: Đồ chơi trẻ em sản xuất/nhập khẩu từ ngày 01/01/2020 trở về sau phải được chứng nhận và công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2019/BKHCN, gắn dấu “CR” và ghi nhãn theo quy định, mới được phép lưu thông trên thị trường; đồ chơi trẻ em sản xuất/nhập khẩu đang kinh doanh trước ngày 31/12/2020 được chứng nhận và công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2009/BKHCN chỉ được phép lưu thông đến hết ngày 31/12/2021.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở chỉ được phép kinh doanh đồ chơi trẻ em công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2019/BKHCN và phải được ghi nhãn hàng hóa, gắn dấu “CR” đúng quy định; không được phép kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2009/BKHCN.
Nếu các cơ sở vẫn tiếp tục kinh doanh đồ chơi trẻ em được công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2009/BKHCN, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP và Nghị định số 126/2012/NĐ-CP.
Phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ đồ chơi trẻ em đang kinh doanh để đáp ứng yêu cầu chất lượng, phù hợp với hồ sơ chất lượng kèm theo. Các cơ sở cần kiểm soát các vấn đề cơ bản sau đây khi kinh doanh đồ chơi trẻ em:
Kiểm tra thông tin số hiệu QCVN trên nhãn hoặc trên sản phẩm hoặc trên dấu “CR”, để xác định đồ chơi trẻ em kinh doanh đã được công bố hợp quy theo quy định mới (là QCVN 3:2019/BKHCN) và không kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em còn công bố hợp quy phù hợp với QCVN 3:2009/BKHCN.
Kiểm tra việc gắn dấu “CR”: Dấu “CR” được gắn trên sản phẩm, bao bì hoặc trên nhãn đồ chơi trẻ em, có kèm thông tin: Tên viết tắt (có thể kèm lôgô) của tổ chức chứng nhận, số hiệu của giấy chứng nhận (trong đó mã hiệu của đồ chơi trẻ em phải nằm trong danh mục của Giấy chứng nhận).
Kiểm tra về nhãn hàng hóa và thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa để xác định việc ghi nhãn đáp ứng quy định: Nhãn đồ chơi trẻ em phải được thể hiện bằng tiếng Việt (hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt), phải có các thông tin cơ bản sau: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu hàng hóa); Xuất xứ hàng hóa; Các nội dung khác: Thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng; năm sản xuất.
Cung cấp Giấy chứng nhận hợp quy của đồ chơi trẻ em kinh doanh: Cơ sở kinh doanh phải yêu cầu nhà cung ứng cung cấp và phải lưu giữ tại nơi bán hàng Giấy chứng nhận hợp quy (bản sao) của đồ chơi trẻ em kinh doanh; thực hiện kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa, dấu “CR” với thông tin thể hiện trong Giấy chứng nhận hợp quy của đồ chơi trẻ em tương ứng.
Cơ sở chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em đã được công bố hợp quy/ kiểm tra nhà nước về chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN, có ghi nhãn, có gắn dấu “CR” theo quy định và phù hợp với Giấy chứng nhận hợp quy của đồ chơi trẻ em tương ứng kèm theo. Nếu không tuân thủ các quy định đã nêu trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
An Dương