Hà Nội lên kế hoạch xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030

Kế hoạch nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16/3/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thống nhất đồng bộ thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ. Đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai thực hiện có kế hoạch, nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị theo yêu cầu của Chương trình số 25-CTr/TU.

Theo đó, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu, tỉ lệ đô thị hoá dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60 – 62%, đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65 – 75%. Đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng…

Hà Nội phấn đấu tỉ lệ đất giao thông đô thị trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12 – 15%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15 – 20%. Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 30 – 35% đến năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 45 – 50%; đến năm 2025, tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn đạt 100%, tỉ lệ chất thải rắn nguy hại được xử lý đạt 100%…

Cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện; ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30 – 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025. Tăng số lượng các trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135 – 140 trường, đến năm 2030 khoảng 150 trường; tăng số lượng các trường tư thục đến năm 2025 khoảng 112 – 116 trường, đến năm 2030 khoảng 125 – 130 trường.

Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 7,8 – 8,1 m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12 – 14 m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 31 m2/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 33 m2/người.

Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 – 2030 tăng 8 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 – 13.000 USD; đóng góp tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 là 17%, đến năm 2030 là 20%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 là 25 – 30%, đến năm 2030 là 35-40%.

Hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; triển khai đầu tư xây dựng 2 – 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Số lượng các đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030 là 3 – 5 đô thị…

Khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô
Thành phố phấn đấu hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô trước năm 2027. Ảnh minh hoạ. 

Đến năm 2050, hoàn thành đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Kế hoạch được triển khai thực hiện đến toàn bộ các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021 – 2045.

UBND thành phố giao các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện thị xã tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; triển khai và cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra.

Thành phố Hà Nội cũng xác định sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Đẩy mạnh quản lý và phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được thành phố giao, xây dựng kế hoạch triển khai riêng cho đơn vị; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chung của chương trình vào mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện hiệu quả. Quá trình triển khai, các đơn vị được giao nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự toán đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng chính sách.

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành thành phố được giao chủ trì theo dõi thực hiện các chỉ tiêu Chương trình phải theo dõi, đôn đốc, triển khoi ngay các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu được giao, tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Chương trình. 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích