Định hướng các lĩnh vực Khoa học và Công nghệ trọng điểm của Thủ đô

Định hướng các lĩnh vực Khoa học và Công nghệ trọng điểm của Thủ đô

Các lĩnh vực trọng điểm về KH&CN của Thủ đô gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vacxin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến.

Dự thảo lần thứ 2 của Luật Thủ đô xác định các lĩnh vực trọng điểm về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của Thủ đô bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vắc-xin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến; công nghệ vật liệu xây dựng mới.

Dự thảo lần thứ 2 của Luật Thủ đô đang được các cơ quan chức năng xin ý kiến nhân dân. Về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Dự thảo xác định, tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN; thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Bảo đảm phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà KH&CN. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu KH&CN, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế.

Định hướng các lĩnh vực Khoa học và Công nghệ trọng điểm của Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô xác định tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực KH&CN; thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội. Ảnh minh hoạ: ITN

Các lĩnh vực trọng điểm về KH&CN của Thủ đô bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ chuỗi khối, Internet vạn vật; năng lượng sinh khối; công nghệ gen, sinh học phân tử, vacxin; công nghệ chế tạo chip, in 3D, vật liệu tiên tiến; công nghệ vật liệu xây dựng mới.

Các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô được: áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ; quyết định thuê, thoả thuận chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ; quyết định việc tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ; công bố kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ; cá nhân chuyên gia, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô, ngoài các quyền quy định vừa nêu, còn được hưởng các ưu đãi và được áp dụng biện pháp triển khai nhiệm vụ sau đây: thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm được xác định là thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân; được hỗ trợ từ ngân sách Thành phố một phần chi phí thuê nhà, phương tiện đi lại trong thời gian chủ trì nhiệm vụ.

Để thúc đẩy phát triển KH&CN, dự thảo đưa ra các ưu đãi đối với các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN trên địa bàn Thủ đô đó là:

– Được hỗ trợ từ ngân sách thành phố Hà Nội kinh phí mua sắm, chi phí vận hành máy, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô;

– Được hỗ trợ từ ngân sách thành phố Hà Nội kinh phí hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), phòng thí nghiệm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô;

– Doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô được hưởng ưu đãi tương tự như doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong các năm tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Dự thảo cũng đã đưa ra các quy định về việc ban hành Quy chế quản lý, Danh mục nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô; Các lĩnh vực trọng điểm về KH&CN; Việc thành lập Ban Quản lý các Khu Công nghệ cao thành phố Hà Nội…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích