Đổi mới sáng tạo đặc trưng bởi tính mới và giá trị, mang lại sự phát triển bền vững

Những năm gần đây, yếu tố thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh cũng như rủi ro từ các yếu tố xã hội như dịch bệnh, thay đổi thị trường, yếu tố về đầu vào thay đổi như giá năng lượng… đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Vì vậy, việc nhanh chóng rút ngắn chu kỳ sống của sản phẩm, chủ động khuyến khích đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu không thể thiếu để nâng cao năng suất bền vững.

Theo đó, đổi mới sáng tạo có thể là sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình, phương pháp, thực thể bất kỳ… Đơn cử như về mô hình, đổi mới sáng tạo có thể là mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động, mô hình tạo giá trị gia tăng… Bất cứ điều gì, trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có thể được đổi mới sáng tạo.

 Chủ động khuyến khích đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu không thể thiếu để nâng cao năng suất bền vững. Ảnh minh họa.

Đổi mới sáng tạo được đặc trưng bởi tính mới và giá trị. Tính mới và giá trị là hai đặc điểm cần và đủ của đổi mới sáng tạo. Để xem xét về giá trị, hoạt động đổi mới sáng tạo của một thực thể cần được triển khai ở một quá trình nhất định. Điều này có nghĩa là những ý tưởng, sáng kiến không mang lại giá trị sẽ không được xem là đổi mới sáng tạo.

Tính mới của đổi mới sáng tạo được xác định bởi nhận thức của các bên liên quan. Ví dụ, đổi mới sáng tạo có thể là mới trên thế giới hoặc là mới đối với một ngành, lĩnh vực cụ thể hoặc đối với một cộng đồng hoặc một nhóm người. Đổi mới sáng tạo không chỉ xảy ra ở trong một thực thể, mà còn có thể là sự kết hợp của nhiều thực thể hiện có.

Mức độ mới là một thuộc tính quan trọng của đổi mới sáng tạo. Ví dụ đổi mới sáng tạo căn bản (Radical innovation breakthrough innovation) được hiểu là đổi mới sáng tạo với một mức độ thay đổi cao. Đổi mới sáng tạo đột phá (Disruptive innovation) giải quyết các vấn đề ít được quan tâm nhằm thay thế các sản phẩm, quy trình đã được thiết lập.

Theo thời gian, tính mới của đổi mới sáng tạo có thể được chấp nhận, phổ biến rộng rãi trong xã hội, từ tính mới đến tính mới thừa nhận, đến bị lỗi thời. “Tuổi thọ” của đổi mới sáng tạo có thể thay đổi, phụ thuộc vào tính mới của đổi mới sáng tạo.

Việc phân phối lại giá trị của đổi mới sáng tạo có thể xảy ra ở các cấp độ khác nhau (cá nhân, doanh nghiệp, xã hội…). Giá trị của đổi mới sáng tạo có thể là giá trị tài chính (doanh thu, tiết kiệm, năng suất, bền vững…) hoặc phi tài chính (sự hài lòng, kinh nghiệm, niềm tin…). Tính giá trị từ đổi mới sáng tạo được xác định bởi các bên liên quan. Các nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng trong chuỗi giá trị có thể được cảm nhận giá trị của đổi mới sáng tạo khác nhau.

Cũng giống giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình, phương pháp…, doanh nghiệp thường xem xét các lợi ích liên quan đến chi phí xác định giá trị của đổi mới sáng tạo để triển khai thực hiện. Giá trị của đổi mới sáng tạo được tăng lên theo thời gian, từ giá trị “không chắc chắn” đến được doanh nghiệp triển khai, đến được xã hội công nhận.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích