Chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra
Tại Kết luận thanh tra số 11/KL-UBND ngày 31/7/2023 về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất, giao khoán đất đối với Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà, UBND tỉnh Đồng Nai xác định các đơn vị, địa phương còn hạn chế, thiếu sót. Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chuyển nội dung sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.
UBND tỉnh Đồng Nai phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng đất, giao khoán đất đối với Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà. Ảnh: CN |
Thiếu kiểm tra, việc quản lý lỏng lẻo
Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Công nông nghiệp mía đường La Ngà, trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: Nhà máy Đường La Ngà, Nông trường Mía Phú Ngọc và Nông trường Mía Cao Cang, do Xí nghiệp Liên hợp Công nông nghiệp mía đường II quản lý, theo Quyết định thành lập số 55/CNTP-TCCB ngày 20/9/1986 của Bộ Công nghiệp thực phẩm.
Công ty bắt đầu hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà (sau đây gọi là công ty) kể từ ngày 23/3/2000 theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 4703000006.
Trên cơ sở báo cáo kết quả tự rà soát của công ty và Tờ trình số 822/TTr-STNMT ngày 30/10/2007 của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3960/QĐ-UBND ngày 14/11/2007 về công nhận kết quả rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho công ty, với diện tích 4.224,69ha.
Kết quả thanh tra cho thấy, công ty chỉ trực tiếp sử dụng một phần diện tích đất UBND tỉnh đã giao, phần lớn diện tích đất nông nghiệp đã thực hiện giao khoán đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Tuy nhiên, công ty thiếu kiểm tra, việc quản lý lỏng lẻo, dẫn đến phần lớn người dân nhận khoán đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cây trồng trên đất nhận khoán.
Một phần diện tích đất được UBND tỉnh giao, công ty không sử dụng, để cho cán bộ công nhân viên tự ý sử dụng vào mục đích làm nhà ở, chuồng trại, sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều trường hợp đã kê khai, đăng ký và được UBND huyện Định Quán cấp GCNQSDĐ.
Đối với khu đất tại xã Phú Ngọc và xã Gia Canh, huyện Định Quán, diện tích đất nông nghiệp công ty được cấp GCNQSDĐ, ký hợp đồng thuê đất, ký phụ lục hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường trùng với một phần diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi giao cho địa phương quản lý tại Quyết định số 1501/QĐ-UBND ngày 27/5/2009, trùng vào phần diện tích đất cần phải xử lý để thuê đất thuộc khoản 5 Điều 1 của Quyết định số 3960/QĐ-UBND.
Có 44,34ha đất rừng phòng hộ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thuộc trường hợp đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013, nhưng đến nay khu đất này chưa được cấp GCNQSDĐ.
UBND huyện Định Quán ký cấp 378 GCNQSDĐ/405 thửa cho các hộ gia đình, cá nhân tại ấp 7, xã Phú Ngọc thuộc trong ranh giới khu đất mà UBND tỉnh giao cho công ty quản lý, sử dụng theo Quyết định số 3960/QĐ-UBND.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để xảy ra thiếu sót nêu trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Phú Ngọc, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Định Quán (nay là Văn phòng Đăng ký đất đai – Chi nhánh Định Quán), Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Định Quán, UBND huyện Định Quán.
Hạn chế trong công tác giao khoán đất
Đối với công tác giao khoán, công ty không thực hiện thanh lý hợp đồng với người nhận khoán trước khi ký lại hợp đồng mới là không đúng với nội dung của hợp đồng giao khoán, dẫn đến trên cùng một diện tích giao khoán hoặc cùng đối tượng giao khoán có 2 dạng hợp đồng còn hiệu lực (hợp đồng theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005).
Sau khi các hợp đồng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP được chuyển đổi sang thực hiện theo hợp đồng liên kết (từ sau năm 2018), chỉ thực hiện được 544ha/3.173ha đất đã giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP, đạt 17,1% diện tích đất đủ điều kiện giao khoán. Các hộ dân không thanh lý hợp đồng để ký lại hợp đồng giao khoán mới (hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm).
Từ khi công ty tạm dừng hoạt động do thực hiện theo Quyết định số 3474/QĐ-XPVPHC ngày 23/9/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm thanh tra, toàn bộ các hộ nhận khoán đất trồng mía của công ty không còn thực hiện trồng mía theo hợp đồng, chuyển đổi sang cây trồng khác như keo, mì, điều… Tuy nhiên, công ty không lập hồ sơ đối với việc tự ý thay đổi loại cây trồng của người nhận khoán.
Theo quy định, việc rà soát và xử lý các hợp đồng đã ký theo Nghị định số 01/CP và thực hiện giao khoán mới theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ phải xong trước ngày 30/6/2007. Qua kiểm tra hồ sơ giao khoán đến năm 2011, công ty mới thực hiện việc ký hợp đồng là chậm so với quy định…
“Việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc trách nhiệm của tổng giám đốc, giám đốc các nông trường là đơn vị trực tiếp quản lý qua các thời kỳ và các cá nhân có liên quan”, Kết luận thanh tra số 11/KL-UBND nêu.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, hạn chế, thiếu sót; tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Ngày 15/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 587/UBND-KTN, chuyển nội dung sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đối với việc “UBND huyện Định Quán đã ký cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc trong ranh đất mà UBND tỉnh đã công nhận kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ cho công ty”.
Ngày 13/6/2023, đoàn thanh tra đã phối hợp cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bàn giao và tiếp nhận hồ sơ vụ việc.
Ngày 13/7/2023, đoàn thanh tra tiếp tục bàn giao bổ sung hồ sơ theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Nguồn: Báo xây dựng