Một số giải pháp ưu tiên để quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Một số giải pháp ưu tiên để quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Để có thể triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp ưu tiên.
Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. Với mức gia tăng phát sinh CTRSH trong nước, CTR từ nước ngoài với thành phần đa dạng được nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức phế liệu nhập khẩu để sản xuất chưa đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng tạo gánh nặng quản lý CTRSH đối với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ sở xử lý CTR.
Trong Báo cáo Hiện trạng môi trương quốc gia năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau:
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành “Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam” và “Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH tại Việt Nam” để triển khai thực hiện nhằm thống nhất quản lý Nhà nước về CTRSH trong toàn quốc.
Xây dựng các quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm đưa các nội dung mới về quản lý CTRSH trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi vào thực tiễn, cụ thể:
– Tăng cường thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.
– Việc thu gom CTRSH phải đồng bộ với phân loại CTRSH tại nguồn (có thiết bị, phương tiện phù hợp để thu gom các loại CTRSH đã phân loại; đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom CTRSH chưa được phân loại).
– Có lộ trình tiến tới chấm dứt xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp trực tiếp.
– Xác định chi phí thu gom, xử lý dựa trên lượng CTRSH đã được phân loại (chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng tái chế đã được phân loại thì chi phí thu gom, xử lý thấp hơn).
– Yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì thuộc danh mục do Chính phủ quy định phải thu gom, tái chế hoặc đóng góp kinh phí để hỗ trợ tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc.
– Quy định cụ thể nội dung về cải tạo, phục hồi môi trường đối với bãi chôn lấp CTRSH, gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ xử lý CTRSH.
Rà soát, đánh giá, đề xuất danh mục công nghệ xử lý CTR, CTRSH phù hợp với điều kiện của Việt Nam, trình ban hành theo thẩm quyền để khuyến khích áp dụng tại các địa phương.
Rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan để bổ sung cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước về CTR, CTRSH thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn các tỉnh; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý CTRSH đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung.
Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của địa phương hỗ trợ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, cải tạo các bãi chôn lấp đã đóng cửa, xử lý các bãi chôn lấp chất thải tự phát; xây dựng và triển khai các mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Rà soát, điều chỉnh nội dung quản lý CTR trong quy hoạch của các địa phương; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển cơ sở xử lý CTR theo quy hoạch được phê duyệt.
Khuyến khích, xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR tại địa phương
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân về quản lý tổng hợp CTR và BVMT tại cơ sở.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTR; các tổ chức, cá nhân có phát sinh lượng chất thải lớn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về BVMT.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị