Anh: Thời tiết khắc nghiệt gây rủi ro lớn cho việc sản xuất lúa mì

Anh: Thời tiết khắc nghiệt gây rủi ro lớn cho việc sản xuất lúa mì

Dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan và thất thường, việc sản xuất lúa mì tại Anh đang đối mặt với mối rủi ro lớn.

Ông Andrew Blenkiron, quản lý trang trại ở Suffolk, miền Đông nước Anh đang gặp phải vấn đề khi thời tiết đang có những diễn biến thay đổ thất thường trong năm, ảnh hưởng tới việc sản xuất lúa mì.

Khoảng 2000 mẫu lúa mì và lúa mạch nằm trong điền trang Euston rộng 7000 mẫu của ông Blenkiron đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết ẩm ướt trong những tháng gần đây. Theo Cơ quan Khí tượng Anh (MET), tháng 7 vừa qua được xem là một trong những tháng ẩm ướt nhất từng được ghi nhận.

Năm nay, Anh tiếp tục trải qua một năm với thời tiết cực đoan: Tháng 2/2023 là tháng gần như khô hạn nhất trong năm kể từ năm 1993. Trong khi đó, tháng 6 là tháng nóng nhất kể từ khi dữ liệu thời tiết bắt đầu được ghi nhận vào năm 1853. Mưa lớn trái mùa kéo dài suốt tháng 7 và tuần đầu tiên của tháng 8.

Thời tiết thuận lợi luôn quyết định sự thành công của một vụ thu hoạch. Nhưng năm nay, do thời tiết ẩm ướt, lúa mì bị ngâm trong kho hoặc không được xử lý kịp thời trên đồng ruộng. Điều này cho thấy tình hình khí hậu ngày càng bất ổn đang gây thêm nhiều rủi ro cho an ninh lương thực của nước Anh.

Theo thống kê của Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Làm vườn Anh (AHDB), tính đến tháng 8, chỉ có 5% diện tích trồng ngũ cốc ở Anh đã được thu hoạch. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm là 36% trong cùng giai đoạn của vụ mùa.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Nhiệt độ cao vào đầu mùa Hè khiến thời điểm các loại ngũ cốc sẵn sàng để thu hoạch đến sớm hơn bình thường so với mọi năm. Nhưng khi đến độ chín, chúng lại gặp phải những trận mưa như trút nước khiến các cánh đồng trở nên quá ẩm ướt để thu hoạch.

Ông Simon Griffiths, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học thực vật thuộc Trung tâm John Innes cho biết, nếu hạt bị ẩm, chúng nó sẽ mềm ra và quá trình nảy mầm bắt đầu. Quá trình này kích hoạt sự phân hủy tinh bột của ngũ cốc thành đường, khiến khả năng chúng được sử dụng để làm bánh mì thấp hơn nhiều.

Nếu chất lượng ngũ cốc giảm xuống dưới một mức nhất định, nông dân buộc phải bán nó làm thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn nhiều. Dữ liệu của AHDB cho thấy chi phí của một tấn lúa mì làm bánh trong tuần đầu tiên của tháng 8 là 248,50 bảng Anh (khoảng 316,68 USD). Con số này cao hơn nhiều so với 187,60 bảng Anh cho một tấn lúa mì được bán làm thức ăn chăn nuôi.

Ông Tom Bradshaw, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh (NFU), nhận định thời tiết từng đóng góp 50% vào vụ mùa thành công cho các trang trại. Nhưng bây giờ là 80%. Ông nói thêm rằng dựa trên tình hình thời tiết khắc nghiệt mà người nông dân đã trải qua, đó là hậu quả của biến đổi khí hậu.

Để ngăn chặn tình trạng mùa màng bị hư hỏng, một số nông dân đã đưa máy gặt đập liên hợp ngay khi mưa tạnh, mang những cây trồng bị úng nước vào trong nhà phơi khô với hy vọng giữ được chất lượng của chúng. Nếu được thu hoạch ở độ ẩm trên 15%, lúa mì phải đi qua máy sấy ngũ cốc để phục hồi đủ chất lượng để chuyển thành bột.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy sưởi để sấy ngũ cốc rất tốn kém, vì chúng chủ yếu chạy bằng khí đốt hoặc dầu diesel. Do đó, những người nông dân khác đã cố gắng phơi nắng lúa mì càng nhiều càng tốt. Ông Blenkiron đã chọn đưa ngũ cốc của mình vào máy sưởi, làm phát sinh chi phí 15 bảng/tấn để loại bỏ 3% độ ẩm trong một quy trình làm tăng thêm 10% tổng chi phí sản xuất.

Ông Griffiths cho biết, nông dân có thể giảm thiểu nguy cơ cây trồng bị ngập nước bằng cách chọn giống lúa mì có hạt ít nảy mầm hơn trước khi thu hoạch, mặc dù không nông dân nào dự tính điều này trong đợt nắng nóng kỷ lục năm ngoái.

NFU tuần này đã kêu gọi Chính phủ Anh tăng cường sản xuất thực phẩm trong nước, với lý do “thời tiết khắc nghiệt gần đây”.

Thứ trưởng Phụ trách Nông nghiệp Anh Mark Spencer cho biết, chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của an ninh lương thực và đang hành động để tăng sản lượng. Ông Spencer cam kết duy trì sản lượng lương thực ở mức hiện tại, tiếp tục hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất lương thực trong nước như một phần trong kế hoạch phát triển nền kinh tế của chính phủ.

Bên cạnh đó, ông Blenkiron cho rằng các trang trại nên góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và dành 10% diện tích đất canh tác của trang trại để lắp đặt tấm năng lượng Mặt Trời nhằm giúp hạn chế khí thải. Nhưng kết quả là trang trại sản xuất được ít lương thực hơn.

Theo ông Blenkiron, nước Anh cần một số cơ chế để khuyến khích người nông dân trồng trọt với chi phí sản xuất ở mức thấp. Nếu nông dân bị giảm sản lượng thì nước Anh phải nhập khẩu rất nhiều thực phẩm. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nước này luôn phải đối mặt.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích