Loay hoay giải ‘bài toán chống ngập’ ở Thành phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây ngập lụt, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính thói quen xả rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch của người dân khiến rác lấp chặt miệng cống thoát nước.

Loay hoay giải 'bài toán chống ngập' ở Thành phố Hồ Chí Minh
Người dân vất vả di chuyển giữa làn nước trên đường Đặng Thị Rành (thành phố Thủ Đức) sau một trận mưa lớn. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Tình trạng đường phố ngập nước sau mưa từ nhiều năm qua luôn là vấn đề nhức nhối đối với chính quyền cùng hàng triệu người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù nhiều dự án chống ngập đã được triển khai, thi công và đưa vào khai thác cùng nhiều biện pháp tháo gỡ khác nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả triệt để; nhiều tuyến đường vẫn trong tình trạng “cứ mưa là ngập.” Tìm lời giải cho bài toán giảm ngập ngày càng trở nên cấp thiết.

Cứ mưa là ngập

Những ngày gần đây, tình trạng đường ngập nước do mưa lớn tái diễn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn là những điểm ngập quen thuộc từ nhiều năm nay như Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Quốc Hương, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Song Hành (thành phố Thủ Đức), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (Bình Tân)… Cùng với đó là hàng chục tuyến đường, hẻm nhỏ luôn ngập trong nước mỗi khi mưa.

Gần đây nhất, cơn mưa nặng hạt kéo dài gần 1 giờ vào chiều tối 17/8 đã khiến nhiều tuyến đường của thành phố mênh mông trong biển nước. Nhiều phương tiện chết máy, người dân bì bõm lội nước trong giờ tan tầm.

Quan sát qua ứng dụng cảnh báo ngập UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy hàng loạt tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nước. Khu vực ngập sâu nhất là ở quận Gò Vấp với các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu… khiến giao thông rối loạn.

Ở thành phố Thủ Đức, đường Hiệp Bình và Quốc lộ 13 bị ngập khoảng 40cm và đường Võ Nguyên Giáp (khu vực giáp ranh thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh) bị ngập hơn nửa phần đường.

Tại đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), nước ngập sâu, người dân di chuyển qua đây phải cố gắng chạy sát dải phân cách để tránh chết máy xe. Nước tràn vào các tuyến hẻm đến nửa bánh xe khiến nhiều người dân phải gửi xe máy ở đầu đường rồi lội nước vào nhà. Nhiều hàng quán, sạp trái cây hai bên đường phải ngưng buôn bán để di chuyển bàn ghế và các vật dụng điện lên nơi cao, tránh nước tràn vào.

Tuyến đường này là một trong những “điểm đen” về tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn nhiều năm qua tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Loay hoay giải 'bài toán chống ngập' ở Thành phố Hồ Chí Minh
Người dân di chuyển giữa làn nước trên đường Huỳnh Tấn Phát ở quận 7. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), nhiều đoạn ngập sâu quá nửa bánh xe. Nhân viên Công ty Thoát nước Đô thị thành phố cùng nhiều người dân phải đi dọc tuyến đường ngập để dọn rác, lá cây đọng quanh miệng cống để nước rút nhanh hơn. Nước ngập từ đường lớn tràn vào cả Công viên Làng Hoa trên đường Lê Văn Thọ khiến công viên chìm trong “biển nước.”

Khi thấy mây đen bắt đầu kéo đến, chị Trần Hồng Lan (ngụ phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) cùng người nhà vội vàng mang cửa chống ngập ra rào chắn trước hiên nhà.

Chưa đầy 30 phút sau khi trời đổ mưa, con đường Quốc Hương trước nhà chị Lan bắt đầu ngập nước. Nhiều loại rác trôi từ đường lớn vào các khu dân cư khiến người dân phải kê các loại thanh chắn, bao cát trước cửa nhà. Các phương tiện không dám di chuyển mà phải tạm dừng xe chờ đến khi nước rút.

Chị Lan chia sẻ nhiều năm qua, người dân phường Thảo Điền sống cùng cảnh cứ mưa là ngập. Mưa lớn khoảng 15-20 phút là nước lênh láng, thậm chí tràn vào nhà. Mỗi lần ngập nước là người dân phải bỏ hết mọi việc để lo dọn dẹp nhà cửa; ngay cả những hộ dân sống trong các khu biệt thự cao cấp cũng không thoát khỏi cảnh ngập.

Tuyến đường Quốc Hương luôn bị ngập nặng nhất, có khi ngập hơn nửa bánh xe khiến hàng loạt phương tiện chết máy, người tham gia giao thông ngã sóng soài ra đường. Những năm trước, khi mưa lớn, tuyến đường này mới ngập nặng nhưng gần đây chỉ cần mưa nhỏ là đã ngập.

Để chống ngập cho phường Thảo Điền, cơ quan chức năng đã nâng cấp nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền…; hệ thống cống thoát nước cũng được thay bằng cống lớn nhưng tình trạng ngập nước vẫn diễn ra triền miên.

Người dân hy vọng các ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục tình trạng “cứ mưa là ngập” để việc đi lại, sinh hoạt của người dân thuận lợi hơn.

Nâng cấp hệ thống thoát nước, cải thiện ý thức người dân

Ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình hình ngập.

Đã có 5 tuyến đường được cải thiện rõ rệt gồm Tân Quý, Trương Công Định, Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) cùng một số khu vực khác như bùng binh Cây Gõ, khu vực Chợ Tân Định…

Lý giải tình trạng “cứ mưa là ngập” kéo dài nhiều năm qua tại thành phố, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước của thành phố được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước; thậm chí nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước hoặc hệ thống thoát nước chưa được đầu tư hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt khiến những cơn mưa có cường độ rất lớn (mưa lớn trong thời gian ngắn) ngày càng xuất hiện dày đặc, làm quá tải hệ thống thoát nước.

Từ năm 2000 trở về trước, phải 5 năm mới xuất hiện một trận mưa với lượng mưa trên 95mm trong 3 giờ thì những năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện trên 3 trận mưa trên 100mm, có những trận mưa trong vòng 1 giờ đã đạt trên 150mm.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Đề án Chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/1/2021.

Đề án đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phải giữ vững những kết quả đạt được trong công tác chống ngập những năm trước, đặc biệt không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết; tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm thành phố rộng 106,41km2 và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai Dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) và đã thi công đạt 93,33% khối lượng; Dự án Bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến Khu Đô thị mới Thủ Thiêm) đã đạt 95% khối lượng.

Thành phố cũng đặt mục tiêu thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết ngập cho 18 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa theo khảo sát Trung tâm Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng); xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố; thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, đồng thời thực hiện chỉnh trang đô thị cho khu vực này.

Cùng với đó, thành phố tập trung đầu tư thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) thuộc các khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; triển khai các Dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương-Bến Cát và Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

Loay hoay giải 'bài toán chống ngập' ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nước ngập trên đường Bình Tây ở quận 6. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Sở Xây dựng sẽ hoàn thành công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền-Quốc Hương-Xuân Thủy-Nguyễn Văn Hưởng (khu dân cư Thảo Điền) và công trình cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp).

Ngoài giải pháp công trình, Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai nhóm giải pháp phi công trình để chống ngập. Đó là thành phố nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch đô thị và triển khai quy chế, giải pháp liên kết chống ngập giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư và cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước; tăng cường liên kết, hợp tác khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây ngập lụt, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ chính thói quen xả rác bừa bãi ra đường phố, kênh rạch của người dân khiến rác lấp chặt miệng cống thoát nước.

Hiện nay, trên các tuyến phố, khu vực công cộng của thành phố có đặt nhiều thùng rác ven đường nhưng nhiều người vẫn chưa có thói quen bỏ rác đúng chỗ.

Tại các chợ, cửa hàng kinh doanh ăn uống, sau mỗi buổi kinh doanh, một số người bán lại đổ hết rác vào miệng cống hoặc vứt rác tràn lan trên mặt đất. Do đó khi mưa lớn cuốn theo rác trôi xuống cống làm tắc đường thoát nước.

Theo anh Hồ Văn Vỹ, Phó trưởng Nhóm tình nguyện vì môi trường Sài Gòn Xanh, từ đầu mùa mưa đến nay, nhóm đã có mặt trên nhiều tuyến đường, tuyến kênh rạch hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương dọn rác, thông miệng cống để nước mưa thoát nhanh hơn.

Trong quá trình làm việc, anh Vỹ cùng các thành viên trong nhóm đã chứng kiến nhiều người dân mặc dù được nhắc nhở nhưng vẫn ngang nhiên xả rác ra đường, thậm chí vứt cả túi rác to xuống kênh mương, sông suối, hoặc quét rác xuống cống.

“Có một số người dân xem đường phố, kênh rạch và cống thoát nước là nơi đổ rác. Họ đổ tất cả các loại rác trong sinh hoạt và buôn bán xuống cống. Đến khi mưa xuống, nước không có đường thoát, gây ngập lụt thì nhiều người dân lại than thở, mong cơ quan chức năng giải quyết nhưng họ không hiểu rằng, chính thói quen xả rác bừa bãi của họ đã góp phần khiến tình trạng ngập lụt trầm trọng hơn. Tôi mong thành phố có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi xả rác bừa bãi để nâng cao ý thức cho người dân, giúp thành phố giảm ngập,” anh Hồ Văn Vỹ chia sẻ./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích