Bất động sản công nghiệp tại Quảng Nam vất vả tìm nhà đầu tư
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hơn 220 dự án thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 79.000 tỷ đồng, trong đó có 173 dự án đã đi vào hoạt động. Những dự án quy mô lớn có mặt tại đây đã góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống người dân và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp chỉ có những tín hiệu “nhỏ giọt”, các nhà đầu tư còn thăm dò, chưa “mặn mà” đầu tư vào những khu công nghiệp. Dẫn chứng là trong 2 năm trở lại đây không có nhà đầu tư lớn và tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Vũ Thương, Trưởng ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Do tác động của dịch Covid 19, nên trong 2 năm trở lại đây việc thu hút đầu tư nói chung bị chững lại, còn lại mọi năm không có dịch hoạt động này vẫn diễn ra đều đặn. Bên cạnh đó, còn việc vướng mắc về đất đai, về luật trong khâu giải phóng mặt bằng nên các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chậm”. “Tuy nhiên, nhìn ở một phân khúc khác, điển hình là kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lại được các nhà đầu tư quan tâm và đăng ký. Hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam đang thực hiện khảo sát với mong muốn quy hoạch và mở rộng các khu công nghiệp”, ông Lê Vũ Thương, Trưởng ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.
Trước một số lý do được đề cập, có thể thấy, công tác giải phóng mặt bằng từ trước đến nay luôn là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư phải “đau đầu”, là điểm nóng hiện nay đối với các chủ đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất rất lớn của khu công nghiệp, nhà đầu tư bắt buộc phải đền bù theo giai đoạn, cũng như chia nhỏ thành từng phần. Nhưng, hành lang pháp lý cũng như quy trình đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay còn rất nhiều vướng mắc, dẫn đến việc phải kéo dài tiến trình.
Việc kéo dài tiến trình giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư là những thách thức và tạo áp lực rất lớn. Nếu công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số khu công nghiệp còn khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất khu công nghiệp. Hơn hết, là đáp ứng nhu cầu an cư cho người lao động. Đặc biệt, như đợt dịch Covid-19 đã bộc lộ việc lực lượng lao động, công nhân không có nhà ở thì họ không yên tâm sản xuất, kinh doanh, nguy cơ sau dịch sẽ bị thiếu lao động.
Bên cạnh lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công tác giải phóng mặt bằng, một nguyên nhân khác là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh nói chung, vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư…
Mới đây, trong buổi làm việc về tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn, linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó lưu ý đến việc xúc tiến hình thành khu hoặc cụm công nghiệp chuyên ngành dược liệu, qua đó thu hút các dự án công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm, để tận dụng nguồn nguyên dược liệu quý khá phong phú của Quảng Nam.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu Ban quản lý Các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam cần phối hợp với ngành liên quan và các địa phương tổ chức đánh giá lại tất cả khu – cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đánh giá một cách toàn diện từng nơi và xây dựng giải pháp khắc phục những tồn tại đối với từng trường hợp; thống kê đầy đủ diện tích đất sạch, diện tích cần giải phóng mặt bằng, gắn với giải pháp phù hợp cho từng khu vực… Trên cơ sở này sẽ xây dựng chiến lược thu hút các dự án có tính dẫn dắt, khả thi và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…Từ đó, làm tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, mở rộng các cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào từ chính địa phương mà doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh./.
Quảng Nam thúc tiến độ khu công nghiệp Tam Anh 1 hơn 167ha
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 1, huyện Núi Thành. Theo kết luận, một trong những nguyên nhân được ghi nhận là dự án khu công nghiệp Tam Anh 1 đến nay còn nhiều trường hợp tồn tại, vướng mắc chậm được giải quyết, chủ đầu tư dự án chưa được bàn giao đất để triển khai thi công xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 1; không đáp ứng tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.
Ông Nguyễn Hồng Quang yêu cầu trong thời gian tới, chủ đầu tư phải bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, giải phóng mặt bằng của dự án và tập trung cùng với các đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần tích cực làm việc với UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Anh Nam và các ngành chức năng để giải quyết, tháo gỡ các trường hợp tồn tại, vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.
Được biết, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam do Công ty Cổ phần Kính nổi Chu Lai – CFG đăng ký đầu tư năm 2015 với quy mô hơn 167ha nhưng đến nay vẫn chưa xong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng.