Thành phố Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm quản lý trật tự xây dựng từ chính quyền cơ sở

(Xây dựng) – Hơn 4 năm qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm giảm từ 8,5 vụ/ngày còn chưa tới 2 vụ/ngày. Có được kết quả như vậy là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở 3 cấp từ Thành phố tới quận, huyện, phường, xã. Từ thực tế quản lý tại các địa phương đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cũng như cách làm hay, cách làm sáng tạo giúp công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật.

Thành phố Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm quản lý trật tự xây dựng từ chính quyền cơ sở
Những căn nhà không phép tại huyện Bình Chánh.

Nhiều giải pháp để quản lý trật tự xây dựng

Ngày 25/7/2019, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, ngay sau đó UBND Thành phố cũng ban hành kế hoạch để thực hiện Chỉ thị này.

Theo đó có 7 nhóm giải pháp với 56 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, cụ thể: Giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất; về tổ chức bộ máy; về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng; về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; về quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; về giám sát, kiểm tra bằng công nghệ; về nhà ở cho người thu nhập thấp.

Sau 04 năm triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trên địa bàn Thành phố, đến nay, đã có 53/56 nhiệm vụ đã được thực hiện; 01/56 nhiệm vụ đang thực hiện; 02/56 nhiệm vụ không thể triển khai thực hiện.

Theo lãnh đạo UBND quận 1, sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được kiểm soát tốt. Đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn được kiểm tra và xử lý kịp thời, không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận. Số vụ vi phạm giảm từ 0,211 vụ/ngày còn bình quân 0,034 vụ/ngày, giảm 0,177 vụ/ngày. Để đạt được kết quả đó, quận 1 đã thực hiện giải pháp về con người, về cơ chế phối hợp và ứng dụng phần mềm trực tuyến.

Đối với giải pháp về con người thì UBND quận 1 thường xuyên ban hành và triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ công vụ cho cán bộ, công chức được phân công trực tiếp làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Từ đó ý thức trách nhiệm, năng lực quản lý địa bàn, phối hợp giám sát của cán bộ, công chức trong thời gian qua dần được cải thiện, đáp ứng kịp thời với tốc độ phát triển đô thị hóa. Đồng thời có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn để quản lý và xử lý các đối tượng cố tình vi phạm, không hợp tác.

Bên cạnh đó, UBND quận 1 cũng tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận với Đội Thanh tra địa bàn (Thanh tra Sở Xây dựng) nhằm tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Giao ban định kỳ với lãnh đạo Sở Xây dựng, Đội Thanh tra địa bàn và các đơn vị của quận để rà soát, đánh giá kết quả nhằm kịp thời chỉ đạo thực hiện trong công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Yêu cầu các phường thống kê lập danh sách các công trình xây dựng, công trình sửa chữa, công trình có vi phạm xây dựng để kiểm tra, đối chiếu, rà soát và tham mưu xử lý theo quy định… Đồng thời ứng dụng phần mềm trực tuyến để xây dựng kênh thông tin tuyên truyền, tổ chức tiếp nhận các phản ánh của người dân thông qua mạng xã hội (viber, zalo…) và kịp thời chỉ đạo, xử lý các phản trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 2 ngày.

Riêng huyện Bình Chánh lại đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát hàng ngày, phân công rõ khu vực, tuyến đường tuần tra, giám sát của từng cán bộ, công chức. Qua đó kịp thời phát hiện, báo cáo đầy đủ kết quả khi tuần tra, giám sát và xử công trình vi phạm ngay từ đầu; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch hẻm giới, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, quy định quản lý các đồ án quy hoạch và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, đất ở, làm cơ sở thống nhất trong việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân trên địa bàn huyện; kêu gọi người dân tham gia đấu tranh đối với hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng bằng cách sử dụng phần mềm “Bình Chánh trực tuyến” để phản ánh; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên quan tới cấp phép xây dựng, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để nộp và nhận hồ sơ qua mạng…

Ở cấp xã phường, đại diện UBND xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) cho biết, do đặc trưng của xã là hệ thống kênh, rạch nhiều và nhiều hộ dân ven kênh, rạch đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, được công nhận đất ở và nhà ở. Theo quy định của Thành phố thì người dân có nhà ở trước ngày 24/6/2004 nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ được cho phép tồn tại theo hiện trạng và được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng cũ. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều căn nhà đã bị xuống cấp không thể sửa chữa mà phải tháo dỡ toàn bộ để xây dựng lại nhưng do vướng quy định nên không được cấp phép xây dựng, thế là người dân xây dựng không phép.

Thành phố Hồ Chí Minh: Kinh nghiệm quản lý trật tự xây dựng từ chính quyền cơ sở
Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo xã Phước Lộc, để quản lý tốt về trật tự xây dựng thì cần phát huy vai trò đảng viên, đoàn viên, hội viên, công an viên và quần chúng nhân dân tích cực phản ánh các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng. Kiên quyết không để xảy ra trường hợp xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý; các trường hợp vi phạm mới phải kiên quyết xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài, dẫn đến khó xử lý.

Bài học kinh nghiệm

Qua 04 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND, cơ quan chức năng của Thành phố đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn như: Sự chung tay vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị 03 cấp ở Thành phố là nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện thành công Chỉ thị số 23 và Kế hoạch số 3333; Phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn Thành phố; Chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai và xây dựng; Xây dựng quy trình, công khai minh bạch, đảm bảo thông thoáng, thể nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính; Ý thức chấp hành pháp luật của người dân; Tăng nguồn cung về nhà ở hợp pháp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân góp phần ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng bất hợp pháp trên địa bàn Thành phố; Ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI và công tác quản lý nhằm nâng cao tính bao quát, kịp thời, minh bạch trong quản lý Nhà nước.

Đối với UBND quận 12 lại ban hành quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị phòng ban và UBND phường trong công tác tổ chức, triển khai thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Từ đó các đơn vị xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong quy trình tổ chức thực hiện đồng bộ không đùn đẩy trách nhiệm, công khai minh bạch từ ban đầu.

Đồng thời, Quận ủy, UBND quận 12 kiên quyết đấu tranh xử lý các tổ chức, cá nhân đã triển khai xây dựng các công trình trên đất không được phép xây dựng, công trình không phép, sai phép tại địa phương; yêu cầu các tổ chức, cá nhân môi giới, kinh doanh bất động sản trên địa bàn viết cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đối với các trường hợp đã xây dựng và môi giới mua bán các công trình vi phạm với quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng thì kiểm tra, điều tra làm rõ và xử nghiêm theo quy định; công khai kết quả xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Là cơ quan tích cực trong việc quản lý trật tự xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận Bình Tân cho rằng: Việc phổ biến tài liệu “Sổ tay hướng dẫn xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” của Sở Xây dựng và tài liệu “Hỏi đáp về xây dựng nhà ở – nhà xưởng” của quận đã giúp cho người dân thuận lợi hơn trong tiếp cận các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Bên cạnh đó, công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất (sau khi được phê duyệt). Đồng thời phát hành bản sao Giấy phép xây dựng được cấp đến Bí thư Chi bộ – Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố, thông tin cho các tổ chức chính trị – xã hội của phường để tăng cường giám sát và tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia giám sát về công tác quản lý đất đai, quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu liên quan trực tiếp đến công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích