Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa rõ trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa rõ trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải
(TN&MT) – Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm được trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định
Sáng ngày 18/8/2023, tại Hà Nội, Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải tại khu vực miền Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm 2 nội dung là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải. Các nội dung này của Luật Bảo vệ môi trường đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: Săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Theo lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ … cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã chia sẻ, giới thiệu chi tiết các quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia đang được vận hành thí điểm. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều lượt câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến 2 nội dung quan trọng là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.
Kết luận tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng hi vọng các nội dung được phổ biến, chia sẻ và giải đáp tại hội thảo sẽ có thể giúp các doanh nghiệp hiểu và nắm bắt đầy đủ về các quy định pháp luật, từ đó thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của mình. Ông Phan Tuấn Hùng cũng đề nghị các hiệp hội phát huy vai trò của mình, tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu đầy đủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Được biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu cho các hiệp hội, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù Vụ Pháp chế đã tổng hợp và công khai trả lời các câu hỏi, thắc mắc liên quan nhưng vẫn còn nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo tập huấn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, đồng thời kết hợp với nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và nhà tái chế, xử lý chất thải có thể nắm bắt và tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị