Đừng để việc xây cầu trên sông Sài Gòn sẽ cản đường phát triển của TP.HCM
Đừng để việc xây cầu trên sông Sài Gòn sẽ cản đường phát triển của TP.HCM
Không chỉ những doanh nhân “trực chiến” trên sông Sài Gòn mới mang nỗi niềm mà những chuyển động từ quyết sách liên quan đến dòng sông đặc biệt này, vẫn luôn nhận được sự quan tâm của rộng rãi dư luận, nhất là giới chuyên gia hữu quan các lĩnh vực cụ thể.
“Làm ăn trên dòng sông Sài Gòn gần 20 năm nay, cứ nghe đến việc Nhà nước chuẩn bị xây cầu là chúng tôi lại sởn da gà. Cầu Thủ Thiêm 1, 2 (*) xây xong (thì thuyền buồm) chúng tôi hết đường đi lên cầu Sài Gòn. Gần đây khi nghe phong thanh việc xây cầu Thủ Thiêm 4, tôi thật sự mất ăn mất ngủ… Để phát triển một thành phố, để phát triển một đất nước mà mình làm những công trình mang lại tác dụng ngược cho sự phát triển thì tôi thấy (làm như vậy) sẽ có tội với hậu thế”.
Đó là những bộc bạch của ông An Sơn Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Buồm Đông Dương, tại Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân vừa tổ chức tại TP.HCM. Thực ra, không chỉ những doanh nhân “trực chiến” trên dòng sông Sài Gòn như ông Lâm mới mang nỗi niềm đó mà những chuyển động từ quyết sách liên quan đến dòng sông đặc biệt này, vẫn luôn nhận được sự quan tâm của rộng rãi dư luận, nhất là giới chuyên gia hữu quan các lĩnh vực cụ thể.
Đó cũng là lý do mà câu chuyện phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 lần này nhanh chóng được dư luận thành phố luận bàn, góp ý. Nguồn cơn sự việc đến từ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4 ngày 7.8.2023 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM có năm phương án thiết kế, trong đó ba phương án hướng tới chiều cao tĩnh không chỉ 10m. Cần nhấn mạnh, dù đây chỉ mới dừng lại ở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhưng thông tin đó cũng đủ gieo nỗi bất an, lo lắng cho những người yêu dòng sông Sài Gòn với lịch sử huy hoàng của nó cũng như quý trọng những công trình di sản văn hoá giá trị hai bên bờ.
Bởi những đề xuất này có vẻ đi ngược với quyết sách vừa qua của chính quyền địa phương, trong giai đoạn mà Thành phố đang dồn lực để đưa Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống. Cụ thể nhất là kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025 mà UBND TP.HCM vừa ban hành: mục tiêu doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Số lượng khách quốc tế đi bằng đường tàu biển đến thành phố trong năm 2023 và 2024 đạt khoảng 100 ngàn lượt khách… Thế nhưng, nếu làm cầu Thủ Thiêm 4 với với ba phương án tĩnh không như trên thì cây cầu sẽ “chặt đứt” không gian phát triển sông Sài Gòn, cản đường phát triển của TP.HCM.
Do không có phần thảo luận mà dành thời gian để các đại biểu trình bày tham luận, nói lên ý kiến của mình nên Hội thảo đã ghi nhận được khá đầy đủ ý kiến, không chỉ từ các chuyên gia về kinh tế, hàng hải, quy hoạch kiến trúc, lịch sử mà còn cả tiếng nói từ doanh nghiệp, từ sở ban ngành Thành phố. Như nhận định của ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thì Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, vượt lên câu chuyện của những cây cầu, đó là câu chuyện về chiến lược phát triển của TP.HCM.
Phát huy danh vị “thành phố cảng”
Bỏ qua yếu tố kỹ thuật của cầu Thủ Thiêm 4, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, chọn cách đi thẳng vào vấn đề, khi tóm lược về vai trò, giá trị của cảng Nhà Rồng- Khánh Hội và mong rằng “khu vực này nên thực hiện chức năng của một trung tâm thương mại dịch vụ tàu biển, một điểm nhấn để khai thác thế mạnh về vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá (của mảnh đất này)”.
Theo vị chuyên gia kinh tế này thì từ năm 2002, khi tham gia cùng Thành phố xây dựng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM, trong đó điểm mang tính lịch sử là di dời các cảng biển kế hoạch di dời hệ thống cảng biển ra khỏi khu vực nội thành, cá nhân ông cũng trăn trở rằng về mảnh đất với diện tích 30ha (chiếm khoảng 8% trên tổng diện tích 400ha quận 4), kéo dài từ kênh Bến Nghé (cầu Nguyễn Tất Thành) đến kênh Tẻ (cầu Tân Thuận) này.
“Bài toán làm cái gì ở đây (khu bến cảng Sài Gòn) để khai thác tối đa lợi thế là câu hỏi tôi suy nghĩ cho đến nay. Một vị trí có tính lịch sử, văn hoá đã từng là thương cảng quốc tế sầm uất vậy thì chúng ta chuyển thành một trung tâm dịch vụ tàu biển trong điều kện hiện đại ngày nay hay “giết chết” nó để biến nơi đây thành chỗ ở, những biệt thự, chung cư? Nơi đây, theo tôi phải là một mảnh đất hoạt động thương mại dịch vụ du lịch, một điểm nhấn về kinh tế. Nó gắn với trung tâm Quận 1 và trong tương lai không còn phân biệt Quận 1, Quận 4 trên mảnh đất này về hành chính, địa lý.
Chúng ta tưởng tượng rằng, trong tương lai, đi từ phía cầu Tân Thuận về tới Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) toàn bộ hai bờ sông này sẽ trở thành một bức tranh cực kỳ đẹp, sầm uất. Nếu xác định trên tinh thần như vậy để xử lý quy hoạch thì tất cả các công trình giao thông hãy phục vụ cho nó. Ta không bàn làm cầu kiểu gì, đắt hay rẻ mà quan trọng ta muốn mảnh đất này sẽ đóng vai trò gì để trở thành điểm nhấn riêng biệt chỉ TP.HCM mới có được”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM thì lãnh đạo Thành phố nếu quyết định khu cảng Sài Gòn là vị trí mang tính chiến lược thì lúc đó mới bàn tiếp vấn đề kỹ thuật, xây cầu. Còn bàn chyện xây cầu trước rồi mới bàn đến vấn đề chức năng của khu đất này thì “đó là bàn ngược”. Ông cũng lưu ý “nếu chọn hướng sử dụng sai thì chúng ta không có đường sửa và sẽ đánh mất lợi thế”.
Những chia sẻ của TS. Trần Du Lịch nhận được sự đồng thuận của nhà sử học Dương Trung Quốc. Theo vị chuyên gia sử học thì hiện tại nước ta chỉ có năm thành phố được coi là “thành phố cảng” là Sài Gòn – TP.HCM, Vũng Tàu (xưa là Cap Saint Jacques), Quy Nhơn, Đà Nẵng (Tourane) và Hải Phòng. Mặc dù nhiều tỉnh khác cũng có những cảng quy mô không nhỏ như Vân Phong (Khánh Hòa), Cái Lân (Quảng Ninh), Dung Quất (Quảng Ngãi), Cửa Lò (Nghệ An), Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) hay Khánh Hòa thậm chí có hai cảng quan trọng là Vân Phong và Cam Ranh… nhưng không thể mang danh xưng là “thành phố cảng”.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc “thành phố cảng” là những đô thị mà yếu tố “cảng” không những từng là cội nguồn lịch sử hình thành mà còn là động lực cho sự phát triển của đô thị ấy. Nó trở thành một khái niệm chứa đựng cả giá trị lịch sử (tuổi thọ và vị thế trong nền kinh tế quốc dân cũng như hệ thống hàng hải quốc tế). “Trong số năm “thành phố cảng” ấy, mỗi thành phố có những đặc thù riêng nhưng “thành phố cảng Sài Gòn” phải được xe là sớm nhất theo khái niệm “thành phố” hiện đại với những têu chí phổ quát của thế giới”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc du lịch và văn hóa phát triển sẽ đòi hỏi phải khai thác tối đa những di sản vật thể và phi vật thể về giá trị một “thành phố cảng” mang tính “kinh điển” của thành phố Sài Gòn nay đã mang tên TP.HCM. Mà trung tâm mang tính tiêu biểu của “thành phố cảng Sài Gòn” chính là không gian từ Quận 4 qua Quận 1 gắn với Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ cho đến bến Bạch Đằng. Chuyên gia này cho rằng, mặc dù không gian của cảng Sài Gòn- TP.HCM ngày nay vươn ra rất xa và chiếm lĩnh nhữn không gian rất rộng lớn cũng như những trang thiết bị, kho tàng hiện đại hơn rất nhiều, nhưng hình ảnh thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, trên bến dưới thuyền, đặc biệt là những phương tiện gắn với du lịch… thì hình ảnh hay thương hiệu “thành phố cảng Sài Gòn” với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa.
“Hệ trọng hơn hết là dòng sông Sài Gòn đi sâu vào trong lòng thành phố cũng có nguy cơ bị đứt đoạn nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu đã và sẽ xây (cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu bộ hành – NV). Nếu chỉ coi là công trình giao thông đường bộ nội đô thì cũng có nghĩa là khai tử không gian lõi cũng như danh vị “thành phố cảng”. Hình ảnh những con tàu, nhất là những tàu du lịch (cruise ship), một phương tiện mà thế iới đang phát triển mạnh mẽ lừng lững đi sâu vào lòng thành phố, cập bến ngay trong trung tâm TP.HCM, tiếp cận rất gần các thiết chế chính trị văn hóa và kinh tế của Thành phố như: Tòa thị chính (trụ sở UBND TP.HCM – NV), tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh (biểu tượng của Thành phố), Nhà hát Thành phố, các khu thương mại, du lịch trung tâm… thì hình ảnh và thương hiệu của TP.HCM sẽ thể hiện được đẳng cấp và giá trị của một “thành phố cảng”.
Do vậy muốn bảo vệ danh xưng hay thương hiệu “Thành phố cảng Sài Gòn” cho TP.HCM thì trước tiên phải bảo vệ chính không giam cái lõi của cảng Sài Gòn trong lịch sử và con sông Sài Gòn dẫn tàu bè vào sát trung tâm thành phố, cũng có nghĩa là không có chướng ngại nào trên dòng sông ấy…”, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị.
Khai phá tiềm năng, phát triển du lịch đường thuỷ
Trở lại câu chuyện của ông An Sơn Lâm, người đang khai thác hai thuyền buồm trên dòng sông Sài Gòn, để thấy cách thích nghi của doanh nghiệp làm dịch vụ trên dòng sông này sau mỗi quyết sách được ban hành, thực thi. Ông Lâm cho biết thuyền buồm Đông Dương có những cột buồm cao, nên khi thành phố xây cầu (Thủ Thiêm, Ba Son), ông đành phải hạ thấp cột buồm xuống.
Việc hạ cột buồm khiến kết cấu tàu nhìn không đẹp là một chuyện, nhưng điều oái ăm, theo ông Lâm là: “Làm du lịch mình phải có những con tàu đẹp, thậm chí trong tương lai khi đất nước phát triển lên thì tàu không những đẹp mà còn phải to. Nhưng cầu mà cứ xây thấp, độ tĩnh không 10m thì không ai dám làm tàu to… Nếu thành phố xây cầu (tĩnh không thấp) chúng tôi một là cưa mấy cột buồm đi, chờ nước thuỷ triều xuống rồi chui qua thì cũng không sao, vài ba năm nữa tàu hết đát thì làm ve chai. Thế nhưng để phát triển một thành phố, để phát triển một đất nước mà làm những công trình mang lại tác dụng ngược cho sự phát triển thì tôi thấy (làm như vậy) sẽ có tội với hậu thế”.
Ông Lâm cho rằng, khi làm những công trình như cầu Thủ Thiêm 4 thì cần suy nghĩ cho cả tương lai: “Cầu có tuổi thọ 50 năm thì phải tính là bốn chục, năm chục năm nữa nó có ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ không? Cầu 100 năm thì cũng phải có tầm nhìn 100 năm. Cảng Sài Gòn, bến Nhà Rồng, cảng Khánh Hội đã là lịch sử rồi, có giá trị về du lịch rất lớn mà doanh nghiệp như chúng tôi chỉ cần bám vào một giá trị văn hoá, tài nguyên lịch sử như vậy là đã khai thác được rồi. Theo tôi nên phát huy giá trị của khu cảng Sài Gòn, bến Nhà Rồng, cảng Khánh Hội”.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, cũng chia sẻ rằng 95% du khách tới TP.HCM bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm nhận định, nếu hệ thống giao thông được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho thành phố.
“Sông Sài Gòn là một tài sản quý giá, không chỉ về kinh tế mà còn về cả lịch sử, văn hóa. Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố nghiên cứu đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm phù hợp để tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời”, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn nói.
Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình cũng cho rằng việc di dời cảng khi phát triển đô thị đã từng xảy ra rất nhiều lần trên thế giới, nhưng việc đó thường có sự tiếp nối, không bị đứt gãy. Dẫn dắt câu chuyện về cách ứng xử với di sản, các công trình kiến trúc giá trị của Thành phố, từ xưởng đóng tàu Ba Son đến câu chuyện cảng Sài Gòn, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình khuyến nghị: “Đáng ra, giá trị của cảng Sài Gòn về du lịch đã phải được khẳng định từ rất lâu. TP.HCM cần phải giữ thương hiệu thương cảng Sài Gòn. Nếu không kể được các câu chuyện quá khứ, bằng các địa danh từ quá khứ thì sẽ rất đáng tiếc”.
Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, xúc động chia sẻ rằng những thành phố có cảng như cảng Sài Gòn và một dòng sông như sông Sài Gòn tàu dài hơn 200m có thể đi sâu vào tận trung tâm là hiếm vô cùng và nhiều nơi “thèm khát cũng không có được”. Cho rằng sông Sài Gòn chính là đại diện của nền văn minh Nam bộ, ông Anh kiến nghị Thành phố cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi lựa chọn phương án thiết kế xây dựng sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải, du lịch trên sông: “Chỉ cần một cây cầu sai, nó sẽ xóa sổ tất cả quá khứ, lịch sử, văn minh Nam bộ. Xin giữ lại Cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức. Quyết sách nếu sai thì sau này có tiền nhiều cũng không xây lại cảng (Sài Gòn) thế này được đâu”, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cũng cho rằng cảng Sài Gòn sẽ tạo ra cơ hội để TP.HCM có thể đón du khách (bằng tàu du lịch) với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay. “Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm Thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ chia sẻ.
Khẳng định đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của Thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đã đưa ra các giải pháp và phương án để phát triển hơn nữa du lịch đường thuỷ, thu hút khách du lịch như cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy. Thành phố cần có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm nhằm khai thác hiệu quả cảng Sài Gòn. Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại…
Cơ hội “vàng” để xem xét lại quy hoạch tổng thể
Cho rằng cần nhìn vấn đề lớn hơn câu chuyện tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn chọn cách tiếp cận từ định hướng xây cầu Thủ Thiêm trong quy hoạch đô thị ven sông Sài Gòn. Theo ông Sơn năm 2003 thành phố giải toả Thủ Thiêm và tổ chức cuộc thi quốc tế để quy hoạch khu đô thị mới này này. Chỉ lên hình ảnh trình chiếu khu đô thị mới Thủ Thiêm với phần lớn là những mảng xanh cây cỏ dại, ông Sơn lấy làm tiếc vì sau 20 năm, phần lớn diện tích khu đô thị mới này vẫn “cũ”.
Vị kiến trúc sư liên hệ một kinh nghiệm mà bản thân ông từng tham gia là quy hoạch đô thị Thượng Hải. “Trước khi quy hoạch đô thị Thượng Hải, có hàng chục bản quy hoạch quốc tế nhưng đã không thuyết phục được chủ đầu tư. Khi tham gia (năm 1997), chúng tôi đặt vấn đề việc kết nối hai bờ Đông-Tây rất quan trọng. Và chúng tôi đã làm quy hoạch hai bờ Đông-Tây, trong đó thiết kế những cây cầu, đường hầm kết nối. Từ thời điểm đó trở đi, sau hai thập niên, chúng ta thấy hình ảnh của phố Đông Thượng Hải thay đổi như ngày nay”.
Chuyện tĩnh không cầu bao nhiêu do vậy theo ông Sơn là phải nằm trong tư duy quy hoạch và quy hoạch này phải tiếp cận từ góc độ kinh tế đô thị để làm sao đạt được các yếu tố du lịch, đô thị, cảnh quan, phát triển các khu đô thị… “Cầu Thủ Thiêm 4 dựa trên một đề xuất thời điểm lập quy hoạch Thủ Thiêm lúc bấy giờ là có cầu Thủ Thiêm 1, 2, 3, 4 và cầu đi bộ, hầm Thủ Thiêm (được đặt ra như những hiện trạng để làm quy hoạch). Điều này đã được vạch ra từ 20 năm trước và chúng ta hiện giờ chỉ đang thực hiện. Nhưng hiện nay chúng ta đứng trước một cơ hội rất lớn, là với Luật Quy hoạch mới, 63 tỉnh thành trong đó có TP.HCM đang bắt đầu làm lại quy hoạch theo tinh thần quy hoạch tích hợp”.
Ông Sơn giải thích thêm: “Do lúc đó quy hoạch chưa theo tư duy tích hợp nên quy hoạch Thủ Thiêm và sau đó là quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng (2007), những cây cầu là những dự án rời, không có tư duy liên kết với nhau. Nhìn hiện trạng chúng ta thấy những cây cầu Thủ Thiêm này đang là những ráp nối của những quy hoạch (Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm), chưa phải là một quy hoạch hoàn hảo.
Tôi rất hi vọng TP.HCM sẽ đặt lại vấn đề quy hoạch cây cầu Thủ Thiêm 4 này, không chỉ là vấn đề tĩnh không, mà cả vị trí, hướng tuyến và cách bố trí ở hai đầu cầu như thế nào. Lúc này, cách đặt vấn đề không chỉ là một cây cầu nối hai bên bờ sông nữa mà phải coi đây là cơ hội phát triển kinh tế xã hội cho Thành phố, không chỉ mỗi khu trung tâm”, ông Sơn nhận định.
Với vai trò là một chuyên gia đang góp sức với Thành phố để hướng đến làm quy hoạch cả dòng sông Sài Gòn (từ Dầu Tiến chạy ra cửa biển Cần Giờ), KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết sắp tới Thành phố sẽ có nhiều hội thảo, nhiều cuộc thảo luận để phát triển từ Thanh Đa đến Thủ Thiêm, Cần Giờ, cảng Hiệp Phước và tất nhiên sẽ bàn đến câu chuyện của hàng trăm cây cầu nằm giữa khu vực này. Ông Sơn lưu ý rằng việc thiết kế, xây dựng những cây cầu Thủ Thiêm 3, 4 trong tương lai sẽ phải tính toán kỹ lưỡng làm sao tạo ra được sự liên kết với lịch sử đô thị 300 năm, với những công trình di sản đang hiện hữu.
Đánh giá cầu Thủ Thiêm 1 là công trình thành công về mặt quy hoạch, tạo ra kết nối giao thông tốt nhưng theo ông Sơn cầu Thủ Thiêm 2 (nay đã đổi tên là cầu Ba Son – PV) lại là một bài học “không nên lặp lại”. “Cầu Thủ Thiêm 2 chuẩn bị khởi công mới lòi ra là cần phải chặt hàng trăm cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng mà đáng ra không cần phải chặt. Khi quy hoạch xây dựng thành phố đã đã quên đi vế đô thị. Vì vậy vấn đề không chỉ là xây cho được cây cầu mà phải xem xét hiện trạng hai đầu cầu là gì để tạo ra sự nối kết. Đặc biệt, trong bối ảnh Thành phố vừa được thông qua Nghị quyết 98, với cách tiếp cận TOD thì đây là những cơ hội để chúng ta tạo nên nguồn thu, tăng giá trị quỹ đất hai bên cầu, tạo ngân sách xây dựng cầu”.
Nhìn sang Thủ Thiêm, theo ông Sơn không phải tự nhiên mà khu đô thị mới này một thời gian rất dài không thu hút được đầu tư và nếu Thành phố không có những quyết sách để thay đổi thì sắp tới vẫn sẽ khó thu hút đầu tư. “Thủ Thiêm nên học bài học của Thượng Hải. Lúc trước Thượng Hải cũng làm quy hoạch bờ Đông riêng, bờ Tây riêng và suốt thời gian dài cũng không thu hút được đầu tư. Khi làm quy hoạch hai bờ Đông – Tây kết nối với nhau bởi những cây cầu, đường hầm thì cục diện thay đổi.
Thủ Thiêm và khu trung tâm hiện hữu hiện đang thiếu kết nối hai bờ. Chúng ta có thể làm lại quy hoạch khu trung tâm hai bờ Đông-Tây và chỉ cần làm một quy hoạch là đủ. Đây là cơ hội bằng “vàng” để xem lại tất cả những cây cầu mà chúng ta chưa xây dựng, bao gồm cầu Thủ Thiêm 3, 4 và tiềm năng là làm cầu đi bộ hay đường hầm… Đây là điều tôi rất kỳ vọng TP.HCM sẽ sớm làm”, ông Sơn kỳ vọng.
Với công trình cầu Thủ Thiêm 3, như hướng tuyến dự kiến sẽ đi vào đường Hoàng Diệu, theo ông Sơn như vậy quá sát với bến Nhà Rồng và nếu xây dựng với tĩnh không 10m sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị cảnh quan của di sản quan trọng này. Nhìn vấn đề rộng hơn, ông Sơn cho biết xem lại quy hoạch suốt 20 năm qua thì Quận 4 chỉ tập trung vào tiềm năng cho khu cảng Sài Gòn và gần như bỏ quên khu vực còn lại (có thể do ngại vấn đề đền bù giải toả).
Vì vậy sắp tới, với đề xuất nhập Quận 4 vào Quận 1 cần phải có giải pháp để nâng quận 4 lên một tầm cao mới và không nên chỉ tập trung vào mỗi khu cảng Sài Gòn: “Tôi thấy có đề xuất quy hoạch làm dự án nhà cao tầng ở đây. Nếu làm như vậy sẽ hình thành một bức tường cao ốc, sau lưng nó là những ngôi nhà lụp xụp, thấp tầng. Đứng về góc độ quy hoạch quốc tế thì đây không phải là một xu hướng tốt vì chắn gió, chắn tầm nhìn của khu vực phía trong. Quy hoạch này do vậy rất cần xem lại và cần xem cầu Thủ Thiêm 3 không đơn giản chỉ là một công trình kết nối quận 4 và Thủ Thiêm mà nó phải mở cửa tương lai cho Quận 4”.
Trong khi đó, nhìn qua Quận 7, với hướng tuyến, vị trí kết nối dưới chân cầu Thủ Thiêm 4 như hiện tại, ông Sơn cho rằng cũng cần phải xem xét lại. Bởi đại lộ Nguyễn Văn Linh với lộ giới cả trăm mét, cùng với các trục đường lớn khu Nam Sài Gòn sẽ kết nối cầu Thủ Thiêm 4 để chạy xuyên qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết nối với Xa lộ Hà Nội. Một trục lộ cực kỳ quan trọng nhưng hướng tuyến khu vực chân cầu ở phía Quận 7 không được suôn sẻ, bị gấp khúc và tạo ra những nút giao dễ gây ra tình trạng kẹt xe trong tương lai.
“Muốn làm cây cầu này tốt thì toàn bộ khu vực này phải điều chỉnh lại giao thông hướng tuyến và gắn kết với nghiên cứu về đô thị. Đó là chưa nói trong tương lai khi các nhà máy ở Khu chế xuất Tân Thuận hết hợp đồng thuê đất sẽ phải dời ra bên ngoài, như vậy chúng ta sẽ có một quỹ đất để có thể làm những dự án mà theo tôi nên thiên về những dự án xanh, công cộng, bổ sung những vấn để mà TP.HCM đang thiếu. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 do đó không chỉ là một công trình kết nối hai bờ Đông-Tây mà nó là cửa ngõ của cả khu Tân Thuận tương lai, là cơ hội kết nối giữa khu Nam Sài Gòn và TP. Thủ Đức…”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM:
Đảm bảo phát triển đường thuỷ
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết Sở Giao thông vận tải là cơ quan được thành phố giao chủ trì nghiên cứu, lập đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4. “Chúng tôi đặc biệt thấm thía quan điểm ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Tức chúng ta phải xem xét lại quy hoạch tổng thể không gian của hai bên bờ sông, dọc theo sông Sài Gòn cũng như về chức năng của đô thị. Hiện nay một điều rất thuận lợi là đang lập quy hoạch Thành phố, bên cạnh đó Nghị quyết 98 đã giao quyền cho Thành phố được phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Vì vậy chúng ta phải đánh giá đầy đủ, sao cho không để mất đi cơ hội như các đại biểu trăn trở”.
Đối với cầu Thủ Thiêm 4 là công trình nằm trong tổng thể gắn với bờ Đông Thủ thiêm và bờ Tây, các khu vực phía Nam (TP.HCM). Khi triển khai dự án này theo ông Lâm Sở Giao thông vận tải cũng rất thận trọng: “Cách đây khoảng bốn, năm tháng chúng tôi đã báo cáo thành phố. Trong hội nghị về phát triển du lịch gắn với đường thuỷ do đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì, chúng tôi cũng đã nghe một số ý kiến về thiết kế xây dượng cầu Thủ Thiêm rồi. Vì vậy trong quá trình nghiên cứu cầu Thủ Thiêm 4, dù là dự án đơn lẻ nhưng chúng tôi cũng đã tiếp thu và nghiên cứu tất cả các phương án để làm sao không ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai. Cầu Thủ Thiêm 4 hiện trong giai đoạn nghiên cứu đánh giá và tất nhiên chúng ta không máy móc là quy hoạch như thế nào thì phải chốt ngay, làm ngay. Trong quá trình nghiên cứu nếu dự án phát sinh những yếu tố lợi thế, những điều kiện cần phải điều chỉnh thì chúng ta sẽ nghiên cứu điều chỉnh”, ông Lâm phát biểu.
Cũng theo ông Lâm, câu chuyện tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 thì “về kỹ thuật là không khó và chi phí cũng phải là yếu tố cản trở (phải làm cầu tĩnh không thấp) để phát triển du lịch: “Ngoài ra chúng tôi cũng nghiên cứu cả phương án hầm. Phương án nào thuận lợi nhất để phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Hiện nay các chuyên gia cũng đặt lại vấn đề quy hoạch không chủ cầu Thủ Thiêm 4 mà cả cầu Thủ Thiêm 3 để làm sao có thể nhìn nhận, đánh giá, rà soát điều chỉnh quy hoạch một cách tổng thể, có tầm nhìn dài hạn từ đó chúng ta yên tâm phát triển. Giao thông phải phục vụ và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn những giá trị văn hoá, lịch sử của thành phố”.
Theo ông Lâm, với tư cách là Giám đốc Sở Giao thông vận tải, với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn ông sẽ báo cáo lại thành phố để cùng với Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố tiếp thu những ý kiến tại Hội thảo này để có tham mưu, chỉ đạo, xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
______________
(*) Nay đã được đổi tên thành cầu Thủ Thiêm và cầu Ba Son.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị