Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 17/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 17/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường
Sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã tiếp bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam trao đổi về các lĩnh vực và hoạt động hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26 và các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương và kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tiễn mới.
Tham gia buổi tiếp và làm việc cùng Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh có ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cùng lãnh đạo các đơn vị Cục Biến đổi khí hậu, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Vụ Pháp chế; Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường và Văn phòng Bộ.
Về phía cơ quan UNDP tại Việt Nam có ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; cùng các cán bộ chuyên môn của UNDP tại Việt Nam.
Trao đổi với bà Ramla Khalidi, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác cũng như hỗ trợ của UNDP cho Bộ TN&MT nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian vừa qua. Đồng thời, mong muốn thông qua bà Ramla Khalidi, Bộ TN&MT và UNDP sẽ cùng nhau thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về các lĩnh vực và hoạt động hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26 và các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương và kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình thực tiễn mới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng bà Ramla Khalidi trao đổi về các chương trình hợp tác cũng như sự hỗ trợ của UNDP cho Bộ TN&MT trong các lĩnh vực như thành lập thị trường các-bon trong nước kết nối với thị trường quốc tế; triển khai cam kết giảm phát thải ròng vào năm 2050 và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; hợp tác phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Cũng liên quan đến biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, UNDP đã rất tích cực cùng với Bộ chuẩn bị thực hiện Tuyên bố chính trị JETP. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, UNDP sẽ tích cực cùng với Ban Thư ký mà Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là Trưởng Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng để triển khai xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam trao đổi về sự hợp tác và hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế của UNDP cho Việt Nam về hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; xây dựng quy hoạch Không gian biển; phát triển kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những cơ chế, thoả thuận về thị trường carbon, tín chỉ carbon… cũng như việc giảm phát thải khí nhà kính, khí metan nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh BĐKH hiện nay…
Cảm ơn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã dành thời gian tiếp, bà Ramla Khalidi cho biết UNDP luôn đề cao tính chủ động của mỗi quốc gia trong việc phát triển bền vững, đồng thời khẳng định cam kết hỗ trợ của UNDP dành cho Việt Nam nói cung và Bộ TN&MT nói riêng trong các lĩnh vực các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu,…
Hiện nay UNPP đã và đang làm việc với các đơn vị của Bộ như Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường… Trong thời gian tới, UNDP mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp tốt hơn nữa ngoài việc thực hiện những dự án chung còn sẽ nhận được những hướng dẫn kỹ thuật, chính sách để UNDP hoàn thành được những chương trình, dự án đồng thời có những giải pháp hỗ trợ về chính sách, kinh nghiệm, huy động được nguồn lực để chuyển giao tới Bộ TN&MT.
Đối với những chương trình hợp tác đang triển khai, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và bà Ramla Khalidi thống nhất sẽ có cơ chế báo cáo, đôn đốc để có được kết quả nhất, đồng thời mong muốn sự hợp tác giữa hai cơ quan sẽ ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Bắc Ninh tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn gửi Công an tỉnh và các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã… về việc tiếp tục xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Theo nội dung công văn, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có ý kiến chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, cập nhật vào quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 các khu xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định; tập trung nguồn lực để triển khai ngay từ cuối năm 2023 các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn, đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đạt quy chuẩn Việt Nam về chất thải cho phép trước khi xả ra môi trường.
Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải; có kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom nước mưa tách riêng với công trình thu gom, xử lý nước thải trên hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ các nguồn thải phát sinh nước thải thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc trách nhiệm quản lý của mình để phục vụ cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải trên địa bàn.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các làng nghề trên trên địa bàn; trong đó, rà soát công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về bảo vệ môi trường; đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh từ các làng nghề phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Không tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình UBND tỉnh các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Giao Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, trinh sát, quyết liệt xử lý các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, đặc biệt là các cơ sở xả thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
UBND các huyện: Gia Bình, Lương Tài và thị xã Thuận Thành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất của hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp có xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Hà Tĩnh: Hơn 100 người tham gia thu dọn rác dọc bãi biển Lộc Hà
Sáng 16/8, Liên đoàn Lao động huyện, Huyện đoàn, Đồn Biên phòng Cửa Sót đã kêu gọi, huy động hơn 100 đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên và cán bộ, chiến sỹ biên phòng tham gia thu dọn rác dọc bãi biển Lộc Hà.
Sau hơn 2 tiếng thu dọn, hơn 3 tấn rác thải các loại, xác bèo tây, vỏ nhuyễn thể… trên khu vực bờ biển, mái đê, mặt kè từ xã Thạch Kim đến xã Thịnh Lộc (dài khoảng 4 km) đã được thu dọn. Rác thải thu gom được phân loại, chôn lấp hoặc tập kết để chở đến bãi rác tập trung ở Hồng Lộc xử lý.
Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần làm sạch bãi biển, thu hút du khách, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi của người dân.
Quảng Ngãi: Gần 500 người tham gia thu gom rác thải ở đầm nước mặn Sa Huỳnh
Sau phát động, gần 500 người, bao gồm người dân, bộ đội, biên phòng, nhân viên môi trường đã tham gia thu gom rác thải.
Trong khi Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi huy động 5 xe chở rác chuyên dụng, 3 máy đào, 5 xe ben, cùng nhiều nhân viên tham gia thì người dân cũng chèo ghe, chèo thúng để thu gom, vận chuyển rác thải về điểm xử lý.
Được biết, sau khi Nhà máy xử lý rác thải MD dừng hoạt động, phường Phổ Thạnh chưa bố trí được vị trí xử lý rác thải tập trung hoặc vị trí xử lý tạm thời lượng rác thải sinh hoạt của các hộ dân, rác thải sinh hoạt của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong phường nên phần lớn lượng rác được thải ra môi trường, xuống biển, đầm nước mặn, các tuyến đường, nơi công cộng…
Sau buổi ra quân thu dọn rác tại đầm nước mặn Sa Huỳnh, nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng ra quân vệ sinh môi trường năm 2023 của TX.Đức Phổ sẽ được tổ chức đồng loạt trên địa bàn thị xã gồm: ra quân hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp; xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tuần tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; xử lý xác tàu tại đầm Nước Mặn (phường Phổ Thạnh); tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường; phối hợp thực hiện có hiệu quả chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” tại các khu dân cư trên địa bàn thị xã…
Bến Tre: Bãi rác An Hiệp cơ bản khắc phục được ô nhiễm
Tin trên PLO, ngày 17/8 UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị thông tin báo chí về kết quả khắc phục sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, đến nay kết quả khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác An Hiệp đạt hiệu quả, giảm hơn 95% mức độ ô nhiễm.
Cụ thể đơn vị chức năng đã hoàn thành phủ đạt 20.700m2 (100% diện tích rác đã được phủ bạt), nâng cấp tường rào bằng lưới rào B40, đã giảm mùi hôi, nước rỉ rác không còn ngấm ra ngoài, khắc phục xong rác phát tán ra môi trường xung quanh.
Đồng thời đã thực hiện gia cố chống thấm chân tường rào bao quanh bãi rác với chiều dài 255m/255m; thường xuyên phun xịt chế phẩm sinh học, hóa chất trong khu vực bãi rác để xử lý mùi hôi, ruồi, côn trùng. Đến nay cơ bản bãi rác An Hiệp đã khắc phục được ô nhiễm và sẽ thực hiện phương án tiếp nhận rác của tỉnh sau ngày 19/8/2023.
Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre xác định, việc mở lại bãi rác An Hiệp để tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh và của huyện Ba Tri là giải pháp duy nhất, không còn giải pháp nào khác tốt hơn trong khi chờ nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tái đầu tư đi vào hoạt động trở lại, dự kiến vào năm 2026.
Hướng tới ngành chức năng của tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại bãi rác An Hiệp (dự kiến công suất 30m3/ngày đêm) để xử lý nước rỉ rác đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài; dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm 3 ha diện tích bãi rác tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải; tạo vùng đệm bằng cách trồng cây xanh hạn chế tác động của bãi rác đến cuộc sống người dân xung quanh.
Về lâu dài, tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải An Hiệp bằng công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện môi trường, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.
Tây Ninh: Bãi rác quá tải, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường
Tin trên TTXVN, nhiều hộ dân ở ấp Tân Lợi (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) phản ánh nhiều năm qua, bãi rác thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh luôn trong tình trạng quá tải, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường sống và đất canh tác.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, bãi rác thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh có chiều cao từ khoảng 10 đến 15 mét, nằm trong diện tích hàng chục ha, được bao quanh bởi tường rào cao hơn 2 mét.
Chiều 16/8, tường rào tại bãi rác này bị đổ sập do quá tải (đoạn tường đổ sập dài khoảng 50 mét), rác thải tràn qua đất canh tác của người dân. Khu vực xung quanh bãi rác, nhiều cây cao su cao hơn 5 mét đang trong tình trạng chết khô, liền kề là 2 mương nước thải (sâu khoảng 1 mét, rộng khoảng 2 mét, dài khoảng hơn 100 mét, do người dân tự bỏ tiền đào để tránh nước rỉ rác tràn vào đất canh tác) chứa nước thải màu đen, hôi thối, nổi nhiều bọt khí màu trắng đục và xuất hiện nhiều ruồi.
Ông Trương Công Cảnh (75 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi) cho biết bãi rác thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh đã hoạt động tại địa phương hơn 20 năm, gây tình trạng hôi thối nồng nặc và phát sinh lượng ruồi rất lớn, khiến cuộc sống của người dân xung quanh bãi rác này vô cùng khổ sở.
Lo ngại sức khỏe gia đình bị ảnh hưởng do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ông Cảnh đã tự bỏ tiền mang mẫu nước ngầm tại ấp Tân Lợi đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy một số chỉ tiêu của nguồn nước đã bị ô nhiễm gấp 3 lần so với quy định.
heo báo báo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện quan trắc nước ngầm 4 lần/năm ở khu vực lân cận liền kề với bãi rác, theo kết quả quan trắc năm 2022 và quý 1/2023 đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ngầm.
Ông Lê Trí Thức (49 tuổi, ở xã Tân Hưng) cho hay “núi rác” thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh gây ô nhiễm môi trường, hôi thối nồng nặc kéo dài gần 20 năm nay, nghiêm trọng hơn khi vào mùa mưa. Vì khi trời mưa thì bờ tường xung quanh bãi rác dễ bị đổ sập, khiến cho lượng nước thải tràn ra môi trường nhiều hơn, kèm theo việc phát sinh nhiều ruồi, làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhiều hộ dân sống gần bãi rác phải mắc mùng để tránh ruồi mỗi khi ăn cơm.
Có đất trồng cây cao su liền kề với bãi rác thuộc xã Tân Hưng, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (43 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi) cho biết bãi rác thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhiều năm nay của gia đình bà; nước rỉ từ bãi rác gây hư hại cho hoa màu, nước thải tràn qua vườn cây cao su, khiến cho cây cao su 10 tuổi của gia đình bị chết hàng loạt.
Khi phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường đến Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tây Ninh thì công ty này hứa hẹn sẽ bồi thường thiệt hại.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị