TP.HCM: Tổng công suất xử lý nước thải đô thị đạt 193.350m3/ngày

TP.HCM: Tổng công suất xử lý nước thải đô thị đạt 193.350m3/ngày

Lĩnh vực cấp thoát nước tại Thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm, đầu tư phát triển, bảo đảm 100% người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch.

Lĩnh vực cấp thoát nước tại Thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm, đầu tư phát triển, bảo đảm 100% người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch. Đồng thời, 7 nhà máy/trạm xử lý nước thải đang hoạt động với tổng công suất xử lý nước thải đô thị đạt 193.350m3/ngày.

Tại Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức mới đây, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo Thực trạng về quản lý hạ tầng kỹ thuật tại Thành phố, trong đó đề cập đến nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Về lĩnh vực cấp nước

Thành phố đã hoàn thành các nhà máy: Nhà máy nước Thủ Đức III, Nhà máy nước Kênh Đông I, Nhà máy nước Tân Hiệp II, tổng công suất cấp nước thiết kế các nhà máy của Thành phố là 2.433.000 m3/ngày đêm.

Trong đó, công suất cấp nước hiện nay là: 2.313.000 m3/ngày; Tỷ lệ thất thoát – thất thu nước: 18,10%; Tỷ lệ dân số được cấp nước: 100% (2.453.824 hộ/2.453.824 hộ). Các đơn vị cấp nước đang tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% người dân trên địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch.

Tổng chiều dài tuyến ống cấp nước truyền tải và phân phối: đã phát triển và cải tạo được 834 km truyền tải và 8.924 km phân phối. Lượng nước sinh hoạt bình quân đầu người: 148 lít/người/ngày.

Về lĩnh vực thoát nước

Trên cơ sở các Quy hoạch tại Quyết định số 24/QĐ-TTg, Quyết định số 752/QĐ-TTg, Quyết định 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phù hợp định hướng phát triển chung của thành phố, trước mắt ưu tiên nghiên cứu Vùng II thuộc Quyết định 1547/QĐ- TTg (Quận 2, 9, Thủ Đức); tổ chức rà soát cơ sở pháp lý, chính sách mời gọi đầu tư để tham mưu nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư công trình, đặc biệt ưu tiên thực hiện theo hình thức PPP.

Tổng chiều dài hệ thống thoát nước 4.176,1 km, trong đó: Trung tâm chống ngập quản lý: 1.468,8 km; Quận/huyện – Thành phố Thủ Đức: 2.707,3km.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát. Ảnh: ITN

Số lượng nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị đang hoạt động: 7 nhà máy/trạm xử lý bao gồm 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung và 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư (phi tập trung) đang hoạt động với tổng công suất xử lý 193.350m3/ngày: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng: 141.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa: 30.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát – Giai đoạn 1: 15.000 m3/ngày; 4 trạm xử lý nước thải Khu dân cư: 7.350 m3/ngày.

Có 2.953 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài 4.368,7km, trong đó: Kênh rạch thoát nước: 849 tuyến với tổng chiều dài 1.094,1 km; Giao thông thủy: 112 tuyến với tổng chiều dài 975,5 km; Tưới tiêu: 1.992 tuyến với tổng chiều dài 2.299,1 km.

Việc khai thác, quản lý vận hành các công trình cấp thoát nước được bảo đảm đúng chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Về cấp nước, các nhà máy cấp nước được vận hành đảm bảo chi tiêu cấp nước sạch cho người dân; Thành phố đã xây dựng giải pháp cấp nước ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm ổn định hoạt động của các nhà máy cấp nước; Thực hiện Kế hoạch thực hiện giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố và Kế hoạch thực hiện lập danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp tổ chức thực hiện công tác kiểm soát theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đang thực hiện nghiên cứu hệ thống quan trắc chất lượng nước tự động.

Thành phố cũng đã ban hành các Tiêu chuẩn đặc tính kỹ thuật vật tư – thiết bị chuyên ngành nước như: Quy định vật liệu đường ống nước: bê tông, gang, thép, nhựa HDPE và uPVC; Quy định phụ tùng gang cầu; Quy định vật liệu bộ ống dịch vụ khách hàng: đồng thau, thép không gỉ, nhựa PE, PP.

Về thoát nước, các cơ quan, đơn vị vận hành đã thực hiện duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước, nạo vét lòng cống vào mùa, khô để tăng cường khả năng thoát nước; Vận hành van ngăn triều, trạm bơm cố định và di động, cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập), đảm bảo theo quy trình và an toàn; Tăng cường trực vớt rác tại các miệng hố ga, ứng cứu, hỗ trợ giải quyết ngập khi trời mưa; kế hoạch xây dựng xử lý sự cố khi có mưa bão, xả lũ.

Cơ quan chức năng của Thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các công trình lấn chiếm trên kênh rạch, phục vụ nạo vét, khơi thông dòng chảy của kênh rạch thoát nước, các vị trí thi công gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích