Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/8/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BTNMT hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch. Thông tư này có hiệu lực thi hành ngày 1/10/2023.
Theo Thông tư 06/2023/TT-BTNMT, chiến lược phải thực hiện lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH bao gồm: Chiến lược khai thác, sử dụng tài nguyên cấp quốc gia; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng bao gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp, chiến lược phát triển giao thông vận tải; chiến lược khoáng sản; chiến lược thủy lợi; chiến lược phát triển thủy sản; chiến lược phát triển chăn nuôi; chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn; chiến lược phát triển năng lượng; chiến lược phát triển vật liệu xây dựng.
Nội dung lồng ghép ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể, lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược thực hiện trong quá trình xây dựng chiến lược theo 5 bước: Đề xuất hoạt động lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong thuyết minh nhiệm vụ xây dựng chiến lược; Phân tích tác động của BĐKH, yêu cầu ứng phó với BĐKH; Xác định giải pháp ứng phó với BĐKH để lồng ghép vào chiến lược; Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược; Lấy ý kiến nội dung ứng phó với BĐKH đã lồng ghép.
Khi lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào mục tiêu của chiến lược phải chú ý: Mục tiêu thích ứng với BĐKH lồng ghép vào mục tiêu của chiến lược phải hướng đến giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của BĐKH và tận dụng các tác động tích cực do BĐKH mang lại; mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lồng ghép vào mục tiêu của chiến lược phải cụ thể hóa cho các ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm.
Việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào nội dung của chiến lược, Thông tư nêu rõ, lồng ghép vào quan điểm của chiến lược: Giải pháp thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải thể hiện rõ trong quan điểm phát triển của chiến lược.
Việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược: Các giải pháp thích ứng với BĐKH được lồng ghép vào các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược để thực hiện mục tiêu thích ứng với BĐKH đề ra trong phạm vi của chiến lược.
Nội dung lồng ghép cần hướng đến bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, sinh kế; giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của BĐKH đến sức khỏe người dân, các khu vực, cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương; nâng cao khả năng chống chịu của các hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời tận dụng các tác động tích cực của BĐKH cho phát triển kinh tế – xã hội.
Các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được lồng ghép vào các nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đề ra trong phạm vi của chiến lược.
Việc lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược, theo Thông tư, cần xem xét lồng ghép chỉ số về thích ứng với BĐKH và chỉ tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo phạm vi của chiến lược.
Phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng, song cần phải có thời gian
Theo thống kê của Bộ TNMT, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Trong đó, 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp.
Theo Điều 26 của Nghị định số 45/NĐ-CP ban hành ngành 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng sẽ chính thức áp dụng kể từ ngày 1/1/2025.
Đây là nội dung liên quan đến từng cá nhân, hộ gia đình trên cả nước nên cần có lộ trình rõ ràng và giải pháp thực hiện hiệu quả để đưa chính sách vào cuộc sống.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định rõ việc phân loại rác tại nguồn cụ thể tại khoản 1 điều 75 và đến ngày 1/1/2025 có hiệu lực để có lộ trình chuẩn bị. Rác thải cụ thể chia ra gồm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ngày 10/1/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó các địa phương có trách nhiệm vận dụng phù hợp đối với các quy định về vận chuyển, thu gom rác thải rắn sinh hoạt.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về việc phân loại rác tại nguồn, thực hiện phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của từng địa phương. Do đó, các địa phương cần rà soát hạ tầng kỹ thuật, cần đầu tư làm sớm để có lộ trình thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Đức Khiến cũng cho biết, các địa phương có thể quy định chi tiết về kỹ thuật như người dân cần sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt phân loại theo màu để phân biệt.
Thông tư 02/2022/TT-BTNMT cũng nêu rõ, về kỹ thuật màu sắc của túi đựng chất thải, các địa phương phải quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương đó. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Để phân loại rác thải rắn sinh hoạt thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện nội dung này. Trong đó, việc thực hiện truyền thông liên tục, có bài bản, đơn giản hóa nội dung và dễ hiểu đến với người dân là quan trọng.
Câu chuyện nhắc lại về dự án 3R-HN về phân loại chất thải tại nguồn được Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, áp dụng thử nghiệm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã có những kết quả tích cực trong giai đoạn 2006-2010. Tuy nhiên, sau đó việc triển khai lại đi vào ngõ cụt mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc các đơn vị thực hiện không tự tồn tại được sau khi kết thúc dự án thí điểm.
Tại Thừa Thiên Huế, mới đây, sau khi Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO), chính quyền địa phương, các tổ dân phố… tuyên truyền, phát tờ rơi, dựng các thùng rác có ghi rõ các loại rác tái chế, nguy hại… thì người dân bắt đầu có ý thức trong việc phân loại rác thải từ gia đình.
Một người dân chia sẻ: Trước đây, tất cả các loại rác được gom chung trong một thùng, nay mẹ tôi chia thùng rác thành hai ô, một ô để rác tái chế, một ô để rác không tái chế. Khi xe rác đến thu gom, các loại rác đều được bỏ trong bao ni-lông loại tự hủy gọn gàng, buộc chặt để không bốc mùi hôi.
Nơi tôi ở đa số người dân đều có ý thức như thế. Họ tập kết rác sau 5 giờ chiều theo quy định của trưởng xóm, ai đưa rác ra sớm hơn đều bị nhắc nhở qua hình ảnh camera an ninh. Thế nên, việc thu gom rác của các anh chị công nhân cũng thuận tiện hơn nhiều.
Thế nhưng không phải ở khu dân cư nào cũng được như vậy, nhà nào cũng phân loại rác từ nguồn. Rất nhiều nơi, nhất là một số quán ăn, kinh doanh các dịch vụ ăn uống…, việc gom rác, xả rác khá bừa bãi. Chuyện phân loại rác gần như không được thực hiện. Các loại rác được quét dọn thu gom chung và nhiều lúc vứt bừa bãi ra đường. Có nhiều nơi có đặt thùng rác công cộng nhưng một số người thiếu ý thức hoặc lười biếng cứ tiện tay là ném khi chạy xe ngang qua. Tất nhiên là có nhiều túi rác không chỉ không vào đúng thùng rác đã ghi rõ loại mà còn rơi vãi tung tóe ra đường rất nhếch nhác, phản cảm.
Một công nhân vệ sinh môi trường đô thị thuộc Cty HEPCO cho biết, phân loại rác dù đã được đề cập từ lâu nhưng việc thực hiện gần như không có, do người dân không có thói quen phân loại rác mà chỉ tập trung đến điểm tập kết. Công việc phân loại chủ yếu do các nhân viên vệ sinh môi trường thực hiện. Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn, lại vất vả nên hầu hết rác thải sẽ được chuyển thẳng đến các nhà máy xử lý. Nếu người dân phân loại rác ngay từ đầu thì việc xử lý rác sẽ dễ dàng hơn. “Hiện nay, quy định thì đã có nhưng chúng tôi cũng chưa được phổ biến về cách thức thực hiện ra sao nên cũng chưa hình dung ra sẽ phải làm những gì”, nhân viên này cho biết.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Cty HEPCO, hiện giá thu gom rác thải sinh hoạt đã có sự phân hóa cụ thể ở từng vị trí, đô thị, nông thôn, doanh nghiệp cá nhân. Theo đó, ở địa bàn TP. Huế với hộ dân cư không kinh doanh, vị trí mặt tiền hiện giá thu gom rác sinh hoạt 66.000/tháng, kiệt ngõ 53.000 đồng/tháng; ở Hương Trà, Hương Thủy lần lượt là 52 và 43.000 đồng/tháng. Hộ kinh doanh mặt tiền nhóm 1 (địa bàn TP. Huế) 180.000 đồng/tháng, nhóm 2 là 127.000 đồng/tháng…
Dù đã có sự phân hóa giá thu gom, nhóm đối tượng; tuy nhiên có thể thấy việc tính giá vẫn còn một số bất cập. Ví dụ hộ cá nhân không kinh doanh nhưng không phải nhà nào cũng như nhà nào. Hộ gia đình 1-2 người sẽ khác với những gia đình 5-7 người. Số người càng nhiều thì lượng rác thải sinh hoạt càng lớn. Có nhiều gia đình sống ba bốn thế hệ thì chắc chắn rác thải sẽ hơn những gia đình chỉ một hai thế hệ. Hơn nữa, phí thu gom vẫn còn đánh đồng các loại rác mà chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể hơn.
Ở một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, hiện đang triển khai ngoài phí thu gom còn thêm phí vận chuyển. Huế cũng nên tính đến phương án này. Bên cạnh đó cũng cần định lượng cụ thể về số lượng rác thu gom với hộ cá nhân/kinh doanh. Ví dụ với mức đó tiền thì tương đương với bao nhiêu kg rác thải ra. Vượt quá thì phải trả thêm phí. Tất nhiên để định lượng được lượng rác thải dù không dễ, nhưng cũng không hẳn là không có cách. Ở một số nước, đơn vị thu gom phát túi thu gom và tính vào chi phí thu gom. Mỗi túi như vậy được ước lượng chứa bao nhiêu kg rác thải. Người dân cứ bỏ vào đầy túi rồi đem đến chỗ tập kết. Rác thải càng nặng, khó xử lý thì phí càng cao.
Thế nên cũng giúp người dân đắn đo hơn khi thay các thiết bị, đồ dùng trong nhà như giường, tủ quần áo, bàn ghế gỗ… Nhờ thế mà họ tiết kiệm hơn lại tăng tuổi thọ sử dụng cho vật dụng thiết bị…
Biết là không thể triển khai một chiều, song những cách mà các địa phương, các nước khác đã triển khai và cho thấy hiệu quả thì mình cũng hoàn toàn có thể học hỏi, áp dụng.
Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ sớm đưa 2 nhà máy điện rác vào hoạt động chính thức
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo sâu sát và đạt được những kết quả nhất định.
Công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội được cải thiện, tỉ lệ được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt hơn 90%.
TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận, bảo đảm an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại đốt và thu hồi năng lượng để phát điện.
Tuy nhiên, việc thu gom rác tại một số quận, huyện trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có việc phương tiện thu gom chưa phù hợp với đổi mới công nghệ; thiếu các trạm trung chuyển tái chế, phân loại và xử lý rác.
Thêm vào đó, việc điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn tích hợp trong quy hoạch chung còn chậm, chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom.
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực quản lý về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ sớm ban hành hướng dẫn về phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở pháp lý để UBND thành phố ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá, giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.
TP. Hà Nội chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng và triển khai thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn tại 5 quận nội thành gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm song song với việc xây dựng, ban hành các quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đánh giá lại năng lực của các nhà đầu tư đã được cấp chủ trương dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn Thành phố, nhưng chưa triển khai, thực hiện thu hồi đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực…
Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát tình hình quản lý, vận hành các khu xử lý Nam Sơn, Xuân Sơn. Tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm chủ động tiếp nhận, xử lý khối lượng rác thải đến năm 2025 trong trường hợp nhà máy đốt rác có sự cố, chưa đầu tư đúng tiến độ, bảo đảm việc tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố không bị gián đoạn.
Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2023; xem xét nâng công suất Nhà máy điện rác Seraphin (Xuân Sơn) và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2024.
UBND các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn công tác vận hành các khu xử lý chất thải. Khẩn trương hoàn thành các dự án GPMB vùng ảnh hưởng môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân. UBND huyện Ba Vì cần tập trung giải quyết kiến nghị người dân, phải đảm bảo thông suốt công tác tiếp nhận tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Các sở, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô để tích hợp vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Lào Cai tổ chức Hội thi tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2023
Sáng 15/8, tại huyện Bảo Thắng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thi tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2023.
Dự hội thi có lãnh đạo HĐND, UBND huyện Bảo Thắng; lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai; đại diện các sở, ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp.
Hội thi có sự tham gia của 8 đội đại diện cho 10 doanh nghiệp với hơn 7000 công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.
Các đội lần lượt trải qua 3 phần thi: Chào hỏi (giới thiệu về công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại đơn vị); kiến thức (câu hỏi trắc nghiệm về lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan); tiểu phẩm (sân khấu hóa bằng hình thức diễn tiểu phẩm liên quan tới công tác bảo vệ môi trường và công tác an toàn môi trường).
Các đội thi đã thể hiện sự đầu tư, sáng tạo từ khâu viết kịch bản, biên đạo, tập luyện rồi đến trình diễn. Các tiểu phẩm phản ánh được thực trạng vấn đề môi trường và đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường khu vực làm việc cho cán bộ, công nhân tại đơn vị.
Kết thúc hội thi, đội Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam giành giải Nhất; giải Nhì thuộc về Chi nhánh luyện đồng Lào Cai – Vimico và liên quân Công ty cổ phần Phốt pho Việt Nam và Công ty cổ phần quốc tế Lavita; giải Ba thuộc về Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang, Công ty cổ phần DAP số 2 Vinachem, Công ty cổ phần Phốt pho vàng Lào Cai.
Sơn La: Bước sang ngày thứ 3 nỗ lực tìm kiếm 2 mẹ con mất tích do lũ cuốn trôi
Tin trên Báo Công luận, sáng 15/8, một lãnh đạo UBND xã Pắc Ngà (H.Bắc Yên, tỉnh Sơn La) cho biết, chính quyền đang tích cực tìm kiếm 2 người dân trên địa bàn bị lũ cuốn trôi. Theo đó, 2 nạn nhân là bà H.T.P. (53 tuổi) và con trai là T.V.B. (10 tuổi).
Thông tin ban đầu xác định, trước đó, khoảng 9 giờ ngày 13/8, bà P. và con trai là cháu B. đi qua suối tại bản Lừm Thượng A thì bất ngờ bị lũ cuốn trôi.
Ngay khi nhận được tin báo, chính quyền xã Pắc Ngà đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng chức năng H.Bắc Yên và các xã lân cận, huy động lực lượng tìm kiếm trên sông, hồ thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, thông báo cho các chủ phương tiện giao thông vận tải thủy và các tàu cá của người dân đang hoạt động trên sông Đà phối hợp tìm kiếm mẹ con bà P.
Tính đến sáng 15/8, lực lượng chức năng H.Bắc Yên đã huy động 11 chiếc thuyền, xuồng máy cùng hơn 100 người thay phiên nhau tìm kiếm từ điểm hai nạn nhân bị cuốn trôi ra đến cửa sông Đà. Tuy nhiên do lòng suối nhiều đá, nước chảy xiết nên khó khăn cho công tác tìm kiếm.
“Hôm nay chúng tôi sẽ huy động thêm nhân lực, mở rộng địa bàn để tìm kiếm các nạn nhân”, lãnh đạo UBND xã Pắc Ngà thông tin.
Sập cầu tràn ở Thanh Hóa, hàng trăm học sinh đi lại khó khăn
Năm học mới sắp bắt đầu, thế nhưng cầu tràn bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù (Mường lát, Thanh Hóa) bị sập do mưa lũ, khiến hàng trăm người dân và học sinh ở đây đối mặt với khó khăn mỗi khi qua lại cầu tràn này, đặc biệt là mùa mưa lũ đang tới.
Theo thống kê của UBND xã Pù Nhi, hiện bản Cơm có gần 200 hộ dân, với 92 trẻ học Mầm non, 109 học sinh Tiểu học và 70 học sinh THCS.
Số học sinh đang học THCS nêu trên hàng ngày phải đi lại qua cầu tràn bị hư hỏng này để đến học ở Trường PTDTBT-THCS Pù Nhi.
Vì vậy, nếu công trình này không được khắc phục sớm, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh và người dân mỗi khi đi qua.
Theo báo cáo của UBND xã Pù Nhi (Mường Lát), do mưa lũ hồi tháng 6 vừa qua, cầu tràn đường từ bản Na Tao đi vào bản Cơm (Pù Nhi) được xây dựng năm 2015 đã bị hư hại nghiêm trọng.
Cầu tràn này bị sập hoàn toàn phần mặt cầu. Kè chống xói mái phía âm tràn bị sạt chiều dài 8,3m, rộng 4,10m.
Ngay sau khi cầu tràn bị hư hỏng, chính quyền xã Pù Nhi đã làm cầu tạm bằng gỗ để người dân đi lại, tuy nhiên xe ô tô không đi qua được.
Đây là tuyến giao thông duy nhất cho gần 200 hộ gia đình ở bản Cơm, xã Pù Nhi nối với trung tâm xã để vận chuyển nhu yếu phẩm, giao thương hàng hóa với bên ngoài và đi lại, học tập của học sinh.
Đắk Nông: Cắt ngưỡng tràn, hạ thấp mực nước hồ Đắk N’ting
Ngày 15/8, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông bắt đầu cho khoan, cắt tràn xả lũ hồ chứa nước Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) để giảm mực nước đang tích trong hồ. Đây là phương án ứng phó khẩn cấp để đảm bảo an toàn hồ Đắk N’ting, trong bối cảnh đợt mưa lớn, kéo dài dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 8.
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư và là đơn vị đang quản lý hồ chứa nước Đắk N’ting đã cho khoan, cắt để hạ thấp độ cao 2/5 ngưỡng tràn xả lũ.
Dự kiến 2 ngưỡng tràn sẽ hạ thấp khoảng 2m so với hiện tại. Thời gian thực hiện dự kiến từ 5-7 ngày.
Theo đại diện Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông, đơn vị vừa hạ thấp mực nước trong hồ, vừa tính toán cân đối để đảm bảo lượng nước thoát về hạ du không gây ngập úng, ảnh hưởng tới tài sản, cây trồng của người dân.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vào ngày 7/8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo tỉnh Đắk Nông triển khai khẩn các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu hồ chứa nước Đắk N’ting; đồng thời triển khai ngay các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập trong bối cảnh đợt mưa lũ tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 8.
Hồ Đắk N’ting là công trình thủy lợi cấp 3, có tổng vốn đầu tư gần 138 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành thi công và đang được nghiệm thu, bàn giao theo quy định thì xảy ra sự cố sạt, trượt hai bên thân đập từ đầu tháng 8. Việc sạt trượt đã khiến thân đập bị xô lệch, ảnh hưởng đến an toàn công trình, dễ xảy ra tình trạng vỡ đập.
Tại quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành ngày 8/8 vừa qua, hồ chứa nước Đắk N’ting là 1 trong 3 công trình thuộc diện khẩn cấp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư tính toán lại kịch bản vỡ đập, đường đi của dòng nước (hơn 2 triệu m3 – PV) ảnh hưởng tới hạ du; triển khai pháp hạ thấp mực nước hồ để giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố sạt trượt, vỡ đập xảy ra.
Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’long cũng đã di dời 34 hộ dân trong vùng hạ du hồ Đắk N’ting đến nơi an toàn.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị