Phát huy vai trò hệ thống pháp lý đo lường trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế và dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Nguyễn Hùng Điệp – Vụ trưởng Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL), vai trò, hiệu quả của hệ thống hành lang pháp lý về đo lường được thể hiện thông qua việc tăng cường xã hội hóa, hình thành ngành, nghề đầu tư, kinh doanh về đo lường.

Luật Đo lường được Quốc hội thông qua năm 2011, giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã tập trung xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý đồng thời triển khai đưa các quy định về đo lường vào các luật, nghị định khác và triển khai mạnh mẽ ở các bộ, ngành.

Thông qua các hoạt động này, đo lường đã góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức triển khai hoạt động về đo lường ở một số bộ ngành, địa phương: Nhà nước tập trung thực hiện chức năng quản lý về đo lường còn các hoạt động đo lường khác được xã hội hóa mạnh mẽ. Tiêu biểu là hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã trở thành một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thu hút doanh nghiệp, người dân tích cực, chủ động tham gia đầu tư và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân. (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đo lường là công cụ đắc lực góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp...

Hàng năm, các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký, được chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường đã thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hàng triệu phương tiện đo, bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không…); hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên.

Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường trực tiếp bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong quan trắc môi trường, giúp các doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế có chức năng đo được kiểm định, hiệu chuẩn chính xác đã trực tiếp giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân…

Thời gian qua, các phương tiện đo được kiểm định và các kết quả đo chính xác là căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ô tô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vàng...) tăng cường sự tin tưởng của doanh nghiệp, người dân vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.

Thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường đã giúp các doanh nghiệp duy trì độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả đo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Như vậy, Đo lường đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời hỗ trợ đắc lực, làm tiền đề cho việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hoạt động đo lường phát triển đã góp phần cơ bản tạo thành ngành dịch vụ đo lường- điều khiển – tự động hóa. Chính dịch vụ này đã hỗ trợ, đáp ứng kịp thời với giá thành cạnh tranh cho doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ cao có hệ thống đo lường – điều khiển tiên tiến (doanh nghiệp khai thác dầu khí; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện năng, xi măng, sắt thép, phân bón, thuốc trừ sâu…), không phải thuê dịch vụ từ nước ngoài; hoạt động đo lường – điều khiển giúp doanh nghiệp kiểm soát, điều chỉnh quá trình công nghệ, hạn chế thất thoát nguyên vật liệu, giảm giá thành.

Ngoài ra, đo lường còn góp phần vào triển khai chuyển đổi số, sự bùng nổ của hoạt động chuyển đổi số đã dẫn tới nhu cầu sử dụng phương tiện đo thông minh, phép đo thông minh phát triển mạnh mẽ. Đáp ứng nhu cầu này, Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện phê duyệt mẫu các loại phương tiện đo thông minh như công tơ điện thông minh, đồng hồ đo nước thông minh, cột đo xăng dầu có chức năng in thực hiện thông qua hệ thống quản trị hàng hóa.

Một số ví dụ như: Công tơ điện thông minh sử dụng trong mạng lưới cung cấp điện của EVN đã giúp cho ngành điện điều tiết được phụ tải, quản lý được sự cố, minh bạch việc sử dụng, thành toán tiền điện, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Cột đo xăng dầu thông minh hoạt động cùng với hệ thống quản trị hàng hóa sử dụng ở Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (khoảng 10 000 cột đo) đã giúp cho Tập đoàn quản lý được tổn thất, tăng năng suất lao động, minh bạch khi thay đổi giá bán,…

Đồng hồ đo nước thông minh tuy chưa sử dụng phổ biến nhưng được sử dụng tại các nơi bán số lượng lớn đã đóng góp không nhỏ cho việc quản lý chống thất thoát, minh bạch và điều tiết nguồn cung,…

Tổng cục cũng kịp thời xây dựng, ban hành các yêu cầu kỹ thuật đo lường, quy trình kiểm định, thử nghiêm đối với các loại PTĐ thông minh này đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, Tổng cục đã triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công về đo lường cấp độ 3, cấp độ 4 theo yêu cầu của Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Nghị quyết 61/2018/NQ-CP ngày 23/4/2018 quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định 45/2020/NQ-CP ngày 8/4/2020 về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Có thể thấy, hoạt động đo lường đã và đang đóng góp tích cực cho công cuộc chuyển đổi số của lĩnh vực đo lường nói riêng và kỷ nguyên chuyển đổi số chung của cả nước.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích