Sở Y tế TP.HCM: Số liệu khám, chữa bệnh BHYT tăng đột biến là do “lỗi kỹ thuật”

Ngày 18/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, do lỗi kỹ thuật của BHXH TP.HCM nên thông tin về số lượt khám chữa bệnh BHYT chưa chính xác. Theo đó, số lượt khám, chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 29,01% chứ không phải tăng 40,6% so với cùng kỳ như báo cáo của BHXH TP.HCM.

Trước đó, tại Công văn số 762 báo cáo Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM về tình hình thực hiện khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm, BHXH TP.HCM cho biết, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4,61 triệu lượt, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, số lượt nội tỉnh là 3,65 triệu lượt (tăng 37,8%), còn số lượt ngoại tỉnh là gần 1 triệu lượt, tăng gần 56% so với cùng kỳ năm 2022. Số chi BHYT là 4.857 tỷ đồng, khả năng sẽ vượt dự toán chi khám chữa bệnh BHYT dự kiến được giao năm 2023.

Sở Y tế TP.HCM: Số liệu khám, chữa bệnh BHYT tăng đột biến là do
Số lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2023 tăng so với năm 2022 không nằm ngoài dự báo của ngành Y tế.

Tuy nhiên ngay sau đó, qua rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện có sự cố sai sót về số liệu. Với thông tin không chính xác do lỗi kỹ thuật thuộc về BHXH TP.HCM, ngày 15/8, UBND TP.HCM đã có công văn về đính chính số liệu, trong đó chấp thuận đề nghị đính chính thông tin của BHXH TP.HCM.

Theo đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm 2023 có 9,58 triệu lượt, tăng 29,01% so cùng kỳ năm trước. Số chi BHYT là 10.389 tỷ đồng, tăng hơn 19,4% so cùng kỳ năm trước.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, số lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2023 tăng so với năm 2022 không nằm ngoài dự báo của ngành y tế, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt. Bên cạnh việc số lượt người dân đi khám bệnh tăng, việc chuyển người bệnh đến các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố trong thời gian qua có tăng do nhiều lý do khách quan khác nhau, nhất là một số bệnh viện bị thiếu hụt thuốc và vật tư y tế do công tác đấu thầu không kịp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, số lượt người bệnh mắc dịch bệnh lưu hành, nhất là dịch bệnh tay chân miệng được chuyển đến các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM cũng tăng so với cùng kỳ do bệnh diễn tiến nặng (do tác nhân gây tay chân miệng năm nay là EV71), một phần các bệnh viện tuyến tỉnh cũng gặp khó khăn trong cung ứng thuốc gamma globulin trong điều trị các trường hợp tay chân miệng nặng,…

Sở Y tế TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH TP.HCM thông qua Tổ công tác chuyên trách khám chữa bệnh BHYT để kịp thời hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, nhất là tạo sự an tâm cho các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BHXH TP.HCM trong công tác thanh, kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các trường hợp có hành vi trục lợi qua công tác khám chữa bệnh BHYT.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích