Công an tỉnh Thái Nguyên trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội
Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của công tác bảo đảm An ninh trạt tự (ANTT), những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an và Tỉnh uỷ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên phối hợp, trao đổi để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (CAND) gắn với phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội. Qua đó, công tác bảo đảm ANTT và xây dựng lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực.
Công an tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm tội phạm, không để hình thành băng, ổ, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án hình sự đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Trong điều tra xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04 của Ban Bí thư, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, đúng quy định và có hiệu quả, góp phần giữ vững kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, góp phần cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong thực thi nhiệm vụ.
Về triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong 63 tỉnh, thành hoàn thành thu thập dữ liệu hộ tịch trên 1,1 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 100% trước 47 ngày so với kế hoạch; hoàn thành cấp 100% Căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện sớm 65 ngày so với lộ trình. Toàn tỉnh có 42 mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở với trên 4.689 tổ chức quần chúng; qua đó mỗi năm Nhân dân cung cấp cho lực lượng chức năng khoảng 3.000 tố giác, tin báo về tội phạm, giúp cơ quan Công an điều tra, khám phá trên 800 vụ án… có thể thấy, trong những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ một tỉnh miền núi nghèo đã vươn lên đứng vào nhóm 18 tỉnh có thu nhập cao nhất toàn quốc và đảm bảo ANTT ổn định chính là một trong những “chìa khóa vàng” giúp Thái Nguyên phát triển vững vàng về kinh tế.
Thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, Công an tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2023, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ, nhất là mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô năm 2030. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Quyết định số 90 của Ban Bí thư, trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Đề án xây dựng lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; kiện toàn cấp uỷ, tổ chức đảng gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của Công an tỉnh theo Đề án đã được Bộ Công an ban hành…
Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết vấn đề từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT. Lực lượng Công an tỉnh phấn đấu và quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác năm 2023, nhất là chỉ tiêu giảm ít nhất 5% tội phạm về trật tự xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, gắn với cải cách thủ tục hành chính và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh – xã hội, phát triển giáo dục đại học, đào tạo lao động có tay nghề cao…
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu