Triển vọng tạo ra năng lượng từ sóng biển tại Malaysia

Triển vọng tạo ra năng lượng từ sóng biển tại Malaysia

Malaysia có đường bờ biển rộng, dài 4.800km, cung cấp môi trường lý tưởng để khai thác năng lượng từ sóng biển.

Khi đề cập đến năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng quen thuộc như mặt trời, thủy điện, gió sẽ được nhắc đến đầu tiên tại Malaysia và nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, tiềm năng năng lượng từ sóng biển tại Malaysia là rất lớn và nước này có thể tận dụng lợi thế đó.Malaysia có đường bờ biển rộng, dài 4.800km, cung cấp môi trường lý tưởng để khai thác năng lượng từ sóng biển.

Mặc dù các số liệu sản xuất điện có thể khác nhau vào từng thời điểm, tùy thuộc vào đặc điểm sóng hay độ hiệu quả do áp dụng công nghệ, song ước tính các khu vực ven biển ở nước này có thể tạo ra nguồn năng lượng đáng kể, đáp ứng tối đa 4 lần nhu cầu điện quốc gia.

Với những ưu thế từ cơ sở hạ tầng và đội ngũ chuyên gia hiện có, Malaysia có thể tận dụng nguồn tài nguyên tái tạo này, qua đó đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đảm bảo thực hiện được cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính xuống bằng 0.

Thông qua việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới, Malaysia có thể đa dạng hóa các loại hình năng lượng tái tạo ở trong nước. Việc tạo ra năng lượng từ sóng biển hiện nay hoàn toàn phù hợp với cam kết của Malaysia về chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh.

tm-img-alt
Bãi biển tại Malaysia. (Nguồn: Internet)

Trong bối cảnh toàn cầu đang tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, Malaysia cần tận dụng cơ hội, tiềm năng từ năng lượng sóng biển và kết hợp vào mạng lưới năng lượng quốc gia. Năng lượng sóng biển được tạo ra nhờ các chuyển động của gió và nước biển.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), về mặt lý thuyết, nguồn năng lượng từ các đợt sóng dọc bờ biển Mỹ có thể đạt tới 2.640 tỷ kwh/năm, tương đương khoảng 64% tổng sản lượng điện nước này trong năm 2021.

Điều này cho thấy năng lượng từ sóng biển đang có những tiềm năng lớn, song chưa được khai thác.

Trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá triển vọng của dạng năng lượng này. Một số tổ chức đã được thành lập nhằm thử nghiệm các bộ chuyển đổi, tạo ra năng lượng như Trung tâm Năng lượng Biển châu Âu (EMEC) có trụ sở tại Scotland.

Địa điểm thử nghiệm PacWave South, nằm ở bờ biển bang Oregon của Mỹ, cũng đã tiến hành nghiên cứu về năng lượng từ sóng biển và thử nghiệm các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa việc chuyển đổi năng lượng.

Trong khi đó, Viện Hệ thống Năng lượng của Đại học Edinburgh (Scotland) và Khoa Năng lượng Tái tạo của đại học Exeter (Anh) tham gia nghiên cứu công nghệ chuyển đổi và đánh giá khả năng tích hợp năng lượng từ sóng biển vào mạng lưới điện, nhằm khai thác hết hết tiềm năng của dạng năng lượng này.

Mặc dù theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), công suất năng lượng từ sóng biển hiện nay vẫn còn hạn chế, khoảng 2,31 mw vào năm 2020, song điều quan trọng là không được đánh giá thấp tiềm năng của nguồn tài nguyên quý giá này.

Nếu các quốc gia trên thế giới có thể cùng cam kết và tăng cường hỗ trợ đối với việc nghiên cứu chuyển đổi năng lượng từ sóng biển, thì đây sẽ là một nguồn tài nguyên tạo ra năng lượng bền vững, hiệu quả.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích