Indonesia: Áp dụng chiến lược mới nhằm giảm ô nhiễm không khí tại Jakatar
Indonesia: Áp dụng chiến lược mới nhằm giảm ô nhiễm không khí tại Jakatar
Cơ quan môi trường Jakarta của Indonesia cho biết đang sử dụng 3 chiến lược để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô do mùa khô.
Quyết định được đưa ra sau khi Jakarta đã trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir.
Từ tháng 7 đến tháng 9 là đỉnh điểm mùa khô ở Indonesia do đó chất lượng không khí không tốt, vì vậy, cơ quan môi trường Jakarta đã áp dụng 3 chiến lược.
Chiến lược đầu tiên liên quan đến việc kiểm soát ô nhiễm thông qua các chính sách và quy định. Chiến lược thứ hai liên quan đến việc giảm lượng khí thải gây ô nhiễm bằng cách tăng cường kiểm tra khí thải của các phương tiện giao thông và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chiến lược cuối cùng là kêu gọi người dân kiểm tra chất lượng không khí trước khi thực hiện các hoạt động ngoài trời.
Để kiểm tra chất lượng không khí, người dân có thể sử dụng ứng dụng Jakarta Kini (JAKI) và ứng dụng Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm không khí (ISPU). Theo chiến lược thứ hai, các văn phòng môi trường khu vực đã ký cam kết giảm ô nhiễm không khí bằng cách thực hiện các cuộc kiểm tra khí thải của phương tiện cơ giới. Các cơ quan chức năng cũng kêu gọi người dân thực hiện những biện pháp phòng ngừa để giảm tác động như đeo khẩu trang, giảm các hoạt động ngoài trời và các hoạt động khác.
Theo các nhà khí hậu học, do lớp đảo ngược ở các khu vực đô thị trong mùa khô, không khí có xu hướng lạnh hơn ở các lớp bên dưới cũng khiến cho không khí ở Jakarta có vẻ âm u hơn ở trên cao.
Jakarta vẫn nằm trong những thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Chính quyền thành phố cũng đã thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề kéo dài nhiều năm qua như yêu cầu các phương tiện phải trải qua cuộc kiểm tra khí thải thường xuyên, thực hiện chính sách biển số xe chẵn lẻ, tăng phí đỗ xe để giảm lưu lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng cho người đi bộ cũng như xây dựng không gian xanh, hạn chế khí thải từ khu vực công nghiệp và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh sang năng lượng xanh. Tuy nhiên chất lượng không khí ở thủ đô vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Bố trí hệ thống làm việc kết hợp để giảm ô nhiễm không khí
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) mới đây đã nhấn mạnh cần áp dụng giải pháp bố trí hệ thống làm việc kết hợp để giảm ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Jakarta-Bogor-Depok-Tangerang-Bekasi (tên viết tắt của các thành phố trên là Jabodetabek).
Phát biểu tại cuộc họp tại Cung điện Merdeka, Jakarta ngày 14/8, Tổng thống Jokowi cho rằng “Nếu cần, chúng ta phải khuyến khích nhiều văn phòng thực hiện chế độ làm việc kết hợp bao gồm làm việc tại văn phòng và làm việc tại nhà. Sau cuộc họp giới hạn này, chúng tôi có thể đưa ra quyết định về giờ làm việc cho dù đó là 7-5, 2-5 hay những ngày khác.”
Người đứng đầu nhà nước chỉ ra rằng chất lượng không khí ở Jabodetabek rất tệ trong tuần qua. Ngày 12/8 vừa qua, chất lượng không khí ở Jakarta được ghi nhận ở mức 156, mức có độc hại cho sức khỏe.
Theo ông Jokowi, mùa khô kéo dài và việc sử dụng các nguồn năng lượng từ than đá là những yếu tố khiến chất lượng không khí ở Jabodetabek kém đi.
Ông Jokowi nhận xét: “Mùa khô kéo dài trong 3 tháng qua đã dẫn đến sự gia tăng nồng độ ô nhiễm cao và khí thải từ các hoạt động giao thông và công nghiệp ở Jabodetabek, đặc biệt là những hoạt động sử dụng than trong ngành sản xuất.”
Theo ông Jokowi, trước mắt, các bộ liên quan và các cơ quan chính phủ ngoài bộ (K/L) can thiệp vào việc cải thiện chất lượng không khí ở Jabodetabek. Một trong những biện pháp đó là tạo mưa nhân tạo ở khu vực Jabodetabek và các giải pháp giảm lượng phát thải ở khu vực này.
Bên cạnh đó, chính quyền khu vực cũng cần tăng lượng cây xanh (RTH) trong khu vực Jabodetabek và yêu cầu chuẩn bị ngay lập tức ngân sách cho việc cung cấp RTH. Trong trung hạn, chính phủ sẽ nhất quán thực hiện các chính sách giảm sử dụng phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang phương tiện giao thông khối lượng lớn, trong khi về lâu dài, cần tăng cường các hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh: “Việc giám sát phải được thực hiện trong các lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện, đặc biệt là xung quanh Jabodetabek. Chúng ta cũng phải tuyên truyền, giáo dục công chúng có trách nhiệm hơn nữa để giảm khí thải”.
Theo bảng xếp hạng của Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, thủ đô Jakarta của Indonesia đã trở thành thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Theo đó, Jakarta và các vùng lân cận đã thường xuyên ghi nhận mức độ ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 cao gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vượt xa các thành phố ô nhiễm nghiêm trọng khác như Riyadh (Saudi Arabia), Doha (Qatar) và Lahore (Pakistan).
Tuấn Khang (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị