Bắc Ninh, điểm sáng trong công tác cải cách hành chính

Người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh 
Người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh 

Trong 06 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính được các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện hiệu quả và đạt được nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, chức năng, nhiệm vụ được quy định đầy đủ, rõ ràng hơn. Các cơ quan, đơn vị sau khi kiện toàn, sắp xếp đều đã đi vào hoạt động ổn định và phát huy được hiệu quả trong công tác. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp đã được cải thiện; phương châm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính Nhà nước đã được thiết lập và đề cao hơn.

Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế được thực hiện đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách tinh giản biên chế cho 10 trường hợp.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được các cấp, ngành quan tâm và từng bước thực hiện tốt. Các văn bản được ban hành đều có tính khả thi cao, được triển khai, thực hiện và sớm đi vào cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành 22 văn bản QPPL.

Điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của tỉnh đó là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các Sở, ban, ngành địa phương góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến sự tin tưởng, hài lòng cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Các Sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, đánh giá tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền cắt giảm TTHC, thành phần hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa quy trình giải quyết, chuẩn hóa quy mẫu đơn, tờ khai dựa trên sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về TTHC; bãi bỏ các quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC.

“Bây giờ tất cả các thủ tục hành chính đều ra phường làm. Tôi thấy Bộ phận một cửa ở đây giải quyết rất nhanh, các cháu rất tận tình để giúp đỡ, nhất là những người cao tuổi như tôi….”

 Đây là chia sẻ của ông Trần Trung Kiên, trú tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh khi đi làm thủ tục hành chính ở bộ phận “Một cửa” tại UBND phường Đại Phúc. Ông Kiên cho rằng, việc các cấp chính quyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ngành chức năng Bắc Ninh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ban ngành, đơn vị thời gian qua đã giúp công tác cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.807 TTHC được tiếp nhận và giải quyết tại 03 cấp; 100% kết quả giải quyết TTHC được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định. Giải quyết và công khai 52 phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia; xử lý 460 phản ánh, kiến nghị tiếp nhận trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tài chính công cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận; quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…

Công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số từng bước được các cấp các ngành thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Đến nay, 100% các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh tốc độ cao với 177 điểm kết nối, đáp ứng yêu cầu về trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước kết nối đến trung tâm dữ liệu của tỉnh; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy. Tỷ lệ trung bình cấp tỉnh đạt 95,55%; cấp huyện đạt 95,94%, cấp xã đạt 97,62%…

Trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử đảm bảo 100% TTHC đủ điều kiện triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo các tiêu chí được cung cấp, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ về cải cách TTHC theo Đề án 06. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, tỉnh tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… qua đó, góp phần cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương của tỉnh./.

                                                                Theo Người đưa tin

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích