Hoạt động đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp

 Đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo là hoạt động vô cùng cần thiết với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đổi mới sáng tạo là động lực chính để các doanh nghiệp tạo ra giá trị từ sản phẩm, dịch vụ, quy trình hoặc mô hình kinh doanh mới. Bởi vậy, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần phải được quản lý có hệ thống.

Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập quản lý đổi mới sáng tạo dựa trên các yếu tố chính như: chiến lược, mục tiêu đổi mới sáng tạo, các hoạt động đổi mới sáng tạo (bao gồm: quy trình, tổ chức trong doanh nghiệp, các yếu tố hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các yếu tố khác về văn hóa, công cụ, phương pháp, năng lực, nguồn nhân lực, tài chính…). Quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống sẽ tạo ra giá trị mới trong doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần phát triển khả năng và hiệu suất quản lý đổi mới sáng tạo.

Trong đó, đánh giá quản lý đổi mới sáng tạo (Innovation Management Assessment, IMA) là hoạt động vô cùng cần thiết, đóng góp và bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai. Cụ thể, IMA giúp khẳng định niềm tin của các bên liên quan (ví dụ: khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, doanh nghiệp tài trợ, trường đại học, cơ quan chính quyền…) vào khả năng quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

IMA có thể được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp (bất kể ngành, quy mô…), tất cả các loại hình đổi mới sáng tạo (như: sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh…) và mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, từ bắt đầu thực hiện đổi mới sáng tạo đến thực hiện đổi mới sáng tạo toàn diện trong doanh nghiệp.

Quản lý đổi mới sáng tạo bao gồm thiết lập tầm nhìn đổi mới sáng tạo, chính sách đổi mới sáng tạo, mục tiêu đổi mới sáng tạo, chiến lược đổi mới sáng tạo, quy trình đổi mới sáng tạo, tổ chức, vai trò và trách nhiệm và hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, doanh nghiệp thực hiện lập kế hoạch đổi mới sáng tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo, đánh giá hiệu suất, cải tiến và các hoạt động khác.

Các quy trình đổi mới sáng tạo được lập kế hoạch và thực hiện trong các điều kiện được kiểm soát để tạo ra các giá trị. Các quy trình đổi mới sáng tạo được thiết kế để quản lý “sự không chắc chắn” và rủi ro, trong đó đổi mới sáng tạo là kết quả dự kiến của quy trình đổi mới sáng tạo. Không phải tất cả các quy trình đổi mới sáng tạo đều dẫn đến sự đổi mới sáng tạo.

Một quy trình đổi mới sáng tạo bao gồm các hoạt động đổi mới sáng tạo, các yếu tố quy trình… có thể được triển khai trong một doanh nghiệp hoặc trong một nhóm các doanh nghiệp. Trước khi bắt đầu IMA, doanh nghiệp cần hiểu rõ về lý do thực hiện IMA và về hiệu suất quản lý đổi mới sáng tạo hiện tại của doanh nghiệp.

IMA có mục tiêu cung cấp các thông tin tổng thể, sâu sắc về hiệu suất hiện tại (gồm: điểm mạnh, điểm yếu và “khoảng trống”) để tạo ra giá trị mong muốn thông qua hoạt động quản lý đổi mới sáng tạo hiệu quả. Bên cạnh đó, IMA giúp doanh nghiệp xác định một lộ trình chuyển đổi để đạt hiệu suất cao về đổi mới sáng tạo. Một số lý do để doanh nghiệp thực hiện IMA đó là: Hiểu rõ hơn về quản lý đổi mới sáng tạo; Xác định hiệu suất của quản lý đổi mới sáng tạo hiện tại; Cải thiện hiệu suất và tăng giá trị của doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích