QCVN 03-01:2022/BNNPTNT giúp quản lý hàm lượng formaldehyde trong keo dán gỗ

Trên thị trường, các sản phẩm nội thất được làm từ gỗ công nghiệp có nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng thực sự của các sản phẩm gỗ công nghiệp đó lại tương đương nhau hoặc chênh lệch không quá nhiều. 

Quy trình sản xuất gỗ công nghiệp MFC, MDF, HDF là nghiền các cây gỗ rừng trồng ngắn ngày như keo, bạch đàn, cao su, thông… sau đó trộn với keo và ép với áp lực cao để tạo độ dày. Formaldehyde có nhiều trong keo trộn bột gỗ. Tùy vào từng loại keo mà thành phần formaldehyde nhiều hay ít. Trong quá trình sản xuất phải sử dụng các loại keo như UF, PF (có chứa formaldehyde) vì các loại keo này tan trong nước, có tác dụng kết dính với cellulose của gỗ tạo nên độ bền, giữ hình thái, khiến tấm ván rắn chắc.

Theo IARC (cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), formaldehyde là chất gây ung thư, một loại chất độc hại nhưng cũng là một thành phần chứa trong các sản phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày. Ở dạng tự nhiên, hóa chất ofrmaldehyde này tồn tại sẵn trong gỗ, táo, cà chua, khói đốt gỗ, dầu và khí hóa lỏng (gaz), … Đối với nhân tạo, thì ta có thể tìm thấy formaldehyde trong các sản phẩm đã qua chế biến như sơn và dầu bóng, gỗ ép, keo, vải, chất chống cháy, các chất bảo quản và chất cách ly…

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, chỉ với hàm lượng thấp formaldehyde mà cơ thể con người tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ như có khả năng gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi. Nghiêm trọng hơn, formaldehyde là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Do đó, nếu người tiêu dùng lắp đặt, sử dụng những vật dụng có chứa hàm lượng phát thải formaldehyde cao trong nhà như tủ, đồ nội thất, sàn nhà,…sẽ rất nguy hiểm.

Hàm lượng formaldehyde có nhiều trong gỗ công nghiệp. Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03-01:2022/BNNPTNT giúp quản lý hàm lượng formaldehyde độc hại. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn hàm lượng phát thải gỗ công nghiệp E là tiêu chuẩn quan trọng và bắt buộc tuân thủ ở các nước Châu Âu và Nhật Bản để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Hàm lượng formaldehyde trong chất liệu gỗ công nghiệp được tính bằng ppm và lượng formaldehyde trong không phí cần phải < 2 ppm (mg/lít) thì mới đảm bảo được sự an toàn cho sức khỏe.

Tại Việt Nam ngày 25/10/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 16/2022/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2023.

Theo đó, Quy chuẩn này quy định mức giới hạn, phương pháp xác định và yêu cầu quản lý đối với hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ có thành phần formaldehyde tự do (sau đây viết tắt là keo dán gỗ) được sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam. Danh mục keo dán gỗ thuộc sự điều chỉnh của Quy chuẩn này được quy định chi tiết tại Phụ lục A kèm theo Quy chuẩn này. Quy chuẩn này không áp dụng cho keo dán gỗ nhập khẩu dưới dạng mẫu thử; hàng mẫu; hàng triển lãm hội chợ; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh.

Cụ thể, hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ không vượt quá 1,4% theo khối lượng. Hàm lượng formaldehyde tự do trong keo dán gỗ được xác định theo một trong các phương pháp thử áp dụng cho từng nhóm keo dán gỗ cụ thể quy định tại TCVN 11569:2016. Mẫu keo dán gỗ dùng để xác định hàm lượng formadehyde tự do phải ở dạng dung dịch.

Ngoài ra, đối với keo dán gỗ dạng bột, phải được chuyển thành dạng dung dịch với đầy đủ các thành phần theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi xác định hàm lượng formadehyde tự do. Với keo dán gỗ nhiều thành phần, phải pha chế đầy đủ các thành phần theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi xác định hàm lượng formadehyde tự do.

Keo dán gỗ là một chất kết dính được sử dụng để liên kết chặt các mảnh gỗ với nhau. Nhiều chất đã được sử dụng làm keo dán. Có những loại keo dán gỗ phổ biến: Keo sữa dán gỗ; Keo dán gỗ A-B – Hay còn gọi là keo Epoxy; Keo dán gỗ CA (Cyanoacrylates); Keo dán gỗ PU (Polyurethanes),…

Trước đó, vào ngày 27/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 40/2018/TT-BNNPTNT – Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về keo dán gỗ QCVN 03-01:2018/BNNPTNT. Theo đó, kể từ ngày 01/07/2019, các sản phẩm keo dán gỗ khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa keo dán gỗ được lựa chọn phương thức đánh giá 5 hoặc phương thức đánh giá 7.

Trường hợp chứng nhận hợp quy thực hiện theo phương thức 5 áp dụng cho sản phẩm của nhà sản xuất có Chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Hiệu lực của giấy Chứng nhận hợp quy: 01 năm đối với sản phẩm nhập khẩu; 03 năm đối với sản phẩm được đánh giá tại nơi sản xuất; giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường.

Trường hợp chứng nhận hợp quy thực hiện theo phương thức 7 được áp dụng cho từng lô sản phẩm sản xuất, nhập khẩu trên cơ sở thử nghiệm chất lượng mẫu đại diện của lô sản phẩm theo hình thức hậu kiểm. Giấy Chứng nhận hợp quy chỉ có giá trị đối với từng lô sản phẩm.

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích