Thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bộ Công Thương cho biết, sau tám năm kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bắt đầu khởi xướng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngày 15/11/2020, 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) chính thức ký kết RCEP. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, là thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
RCEP sẽ tiến tới loại bỏ khoảng 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực trước cuối năm 2021.
Để thực thi RCEP, Bộ Công Thương đã soạn thảo dự thảo Thông tư quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Dự thảo nêu rõ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phát hành bởi tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu dựa trên đơn đề nghị của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.
Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc người đại diện của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa bằng bản viết hoặc điện tử cho tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu theo quy định nội luật của nước thành viên xuất khẩu.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải: a) có một mẫu chung được thống nhất bởi các nước thành viên; b) có số tham chiếu cụ thể; c) thể hiện bằng tiếng Anh; d) có chữ ký và con dấu của tổ chức cấp của nước thành viên xuất khẩu. Chữ ký và con dấu có thể bằng tay hoặc bằng điện tử. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, dự thảo quy định, cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu có thể tiến hành kiểm tra, xác minh theo những phương thức như sau: (a) gửi thư đề nghị yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thêm thông tin; (b) gửi thư đề nghị yêu cầu nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất cung cấp thêm thông tin; (c) gửi thư đề nghị cho tổ chức cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu cung cấp thêm thông tin; (d) kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất tại nước thành viên xuất khẩu bằng việc quan sát quá trình sản xuất sản phẩm và kiểm tra các chứng từ, tài liệu chứng minh xuất xứ của hàng hóa bao gồm các dữ liệu kế toán; (đ) bất kỳ cơ chế mà các nước thành viên thoả thuận.
Cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể tạm ngừng cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả xác minh. Nước thành viên nhập khẩu sẽ cho phép thông quan hàng hóa nhưng có thể yêu cầu việc thông quan cần tuân thủ theo quy định nội luật.
Liên quan tới Hiệp định kể trên, theo chuyên gia, RCEP được ví như một “siêu Hiệp định” bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế, khi được thực thi sẽ tạo nên một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Ở góc độ xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: “Với các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đã có những Hiệp định FTA riêng rẽ, tuy nhiên RCEP có thể coi là một bản vừa là nâng cấp vừa đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa so với từng Hiệp định riêng rẽ.
Điều này cũng sẽ khác với từng Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN và Việt Nam đã ký với các đối tác trước đây… Và kỳ vọng ở đây chúng ta cũng có thể thấy là khi RCEP có hiệu lực nó sẽ tạo ra những sung lực rất mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam. Vì hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Á vẫn là một quan hệ thương mại tự do rất quan trọng, đóng góp những nguồn hàng lớn, đặc biệt là về mặt nguyên liệu giúp cho chúng ta có thể duy trì sản xuất và xuất khẩu…”.
Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, ngoài những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu và hiện nay cũng đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng trên thế giới, các mạng sản xuất của khu vực rất lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ… thì RCEP còn tạo cơ hội cho phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư…
Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa các lợi ích của Hiệp định RCEP, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ các cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
“Có cơ hội thì cũng có thách thức, nếu doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội thì sẽ chịu sức ép cạnh tranh ở chính trên sân nhà. Vì nếu các nước khác trong RCEP họ tận dụng được cơ hội của RCEP và đẩy mạnh được sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, thì đấy là chuyện đương nhiên của bất cứ FTA nào chứ không phải chỉ do RCEP…”.
Hiện, đã có 4 quốc gia/nền kinh tế (bao gồm 2 nước ASEAN và 2 nước đối tác) hoàn tất thủ tục phê chuẩn RCEP. Dự kiến Hiệp định RCEP cũng sẽ sớm được các nước còn lại xem xét thông qua, trong đó có Việt Nam, và khả năng RCEP sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2022. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai Hiệp định RCEP. Đồng thời, đây là khoảng thời gian tốt nhất để Chính phủ thông qua các bộ, ngành và các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cung cấp thông tin về Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 15 quốc gia (trừ Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này), bao gồm 10 nước thuộc khối ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã có hiệp định tư do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định gồm 20 Chương và các phụ lục kèm theo đảm bảo bao trùm toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến tự do hóa thương mại như Chương Thương mại hàng hóa, Chương Thương mại dịch vụ, Chương Quy tắc xuất xứ, Chương Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại …. Trong đó, chương Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Quy trình đánh giá sự phù hợp (STRACAP) không chỉ đưa ra các cam kết về thúc đẩy thực hiện Hiệp định WTO về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (Hiệp định TBT) mà còn đưa ra các cam kết về thừa nhận và chấp nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên; tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực này. Các mục tiêu sẽ đạt được thông qua các điều khoản thừa nhận vai trò quan trọng của tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế có thể góp phần giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại; đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nhất quán với các quy định liên quan của Hiệp định TBT; thừa nhận tầm quan trọng của việc chấp nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; tăng cường minh bạch hóa; và xác nhận các khả năng hợp tác song phương hoặc đa phương cùng có lợi. |
Phong Lâm