Tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án về hưởng BHXH một lần
Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng
Tại Phiên họp thứ 25, ngày 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, về hưởng BHXH một lần, Dự thảo Luật đề xuất hai phương án.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Trong đó Nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Theo dữ liệu thống kê thời gian qua thì với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng BHXH một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
Trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia BHXH bằng so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia BHXH nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phản ứng của người lao động hơn.
Tuy nhiên, do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật này có hiệu lực, cho nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH vẫn có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng BHXH một lần.
Rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng
Phương án 2 quy định: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.
Đại diện các bộ, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Phương án này đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Tuy nhiên, phương án này cũng chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. Người lao động không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành (hưởng “chạy luật”). Bên cạnh đó, theo phương án này thì tình trạng hưởng BHXH một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.
Tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua nghiên cứu, giám sát, khảo sát, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác. Ảnh: Quốc hội |
Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, đặc biệt là quy định về BHXH một lần cũng như tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án sửa đổi, bổ sung theo dự thảo Luật.
Trong đó, đặc biệt chú ý và đặt trọng tâm vào việc thông tin tuyên truyền, giải thích đầy đủ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.
Đồng thời tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này; tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh và điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định việc đề xuất phương án theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng – hưởng, có chia sẻ của BHXH.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc, nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần thiết bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý cho các trường hợp này…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Nguồn: Báo lao động thủ đô