Vĩnh Phúc: Gắn khoa học công nghệ với sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng
Mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, UBND huyện, thành phố và thực tiễn phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh;
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; Nâng cao khả năng tiếp nhận và ứng dụng thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về yêu cầu: Xác định đầy đủ, cụ thể các định hướng, nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các nhiệm vụ xác định phải có trọng tâm, lộ trình thực hiện cụ thể và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc; Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, kiến tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh phát triển; Phân công trách nhiệm cụ thể, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, UBND huyện, thành phố có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển vững chắc với phương châm “Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao trung bình đến năm 2030 đạt 25%/năm; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người Vĩnh Phúc, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh Vĩnh Phúc; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các tỉnh của cả nước;
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao (CNTT, công nghệ phần mềm, công nghệ tự động hóa và điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, argis,…) vào sản xuất phù hợp với đặc thù và lợi thế riêng của tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp điện tử chủ lực tỉnh đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Gắn KH&CN với sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch; sinh thái, du lịch – dịch vụ, đô thị.
Mục tiêu cụ thể, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt mức 50% (năm 2025) và đến năm 2030 phấn đấu đạt 55%.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025 và là tỉnh có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP,…) hoặc tương đương đạt trên 10%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt trên 5%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 25% GRDP; xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu của cả nước.
Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo phấn đấu đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP,…) hoặc tương đương đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt trên 10%; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP;
Dếp hạng chuyển đổi số của tỉnh nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh, của đất nước; đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI), phấn đấu duy trì mức trên 0,7.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh góp phần không ngừng cải thiện, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam (thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới). Đến năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ của tỉnh phấn đấu đạt 2% GDP. Đến năm 2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ của tỉnh phấn đấu đạt trên 2% cao hơn mức bình quân của cả nước. Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh (quy đổi toàn thời gian) phấn đấu đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 phấn đấu đạt 12 người trên một vạn dân; trong đó chú trọng phát triển nhân lực trong khu vực doanh nghiệp.
Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được cơ cấu lại gắn với định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, tỉnh, ngành và lĩnh vực theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Đến năm 2025, phấn đấu có 1-2 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng quốc gia và khu vực, đến năm 2030 có 3-4 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng quốc gia và khu vực.
Đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng tối thiểu hai lần so với năm 2020 (trong đó, đến năm 2025 phát triển thêm 05 doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đến năm 2030 phát triển thêm 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ); tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo phấn đấu đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp.
Gia tăng mạnh mẽ số lượng công bố quốc tế về sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại trên tổng số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ so với hiện nay (đến năm 2025, tối thiểu đạt 25 đối tượng và đến năm 2030, tối thiểu đạt 30 đối tượng là nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích; kiểu dáng công nghiệp; giống cây trồng; bản quyền tác giả số lượng tài sản trí tuệ được hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ).
An Hạ