Nhóm đối tượng tra tấn, hành hạ dã man một lập trình viên người nước ngoài lĩnh án
Ngày 17/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án Vương Văn Kiệm (sinh năm 1991, trú tại phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) 14 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, 10 năm tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt là 24 năm tù; Phạm Văn Huấn (sinh năm 1990, trú cùng phường Tân Hưng) 22 năm tù; Lý Văn Hoàng (sinh năm 1991, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) 12 năm tù cùng về về tội “Cố ý gây thương tích” và “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 12/7/2022, Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) nhận được thông tin về việc có một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc đang bị bắt giữ trái pháp luật trên địa bàn. Trong quá trình rà soát, xác minh, vào hồi 21h 30 ngày 14/7/2022, lực lượng công an phát hiện Phạm Văn Huấn, Lý Văn Hoàng có hành vi bắt, giữ người trái pháp luật.
Các bị cáo tại Tòa. |
Cụ thể, nạn nhân trong vụ án là anh Fang Lijing (sinh năm 1977, quốc tịch Trung Quốc), hoạt động trong lĩnh vực viết phần mềm trò chơi trên mạng Internet. Từ cuối năm 2019, do việc kinh doanh tại Trung Quốc gặp khó khăn, anh Fang Lijing có ý định nhập cảnh vào Việt Nam để tìm đối tác phát triển thị trường.
Ngày 14/1/2020, anh Fang Lijing nhập cảnh vào Việt Nam, qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài và thuê phòng ở nhiều nơi. Khoảng giữa năm 2020, anh Fang Lijing quen Hoàng Thanh Sơn (sinh năm 1977, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sơn thỏa thuận thuê anh Fang Lijing lập trình các trò chơi trực tuyến và sẽ được hưởng 20% tiền lợi nhuận. Tuy nhiên, chưa có phần mềm nào hoạt động.
Sau khi yêu cầu anh Fang Lijing lập trình trò chơi đánh bạc trên mạng không được, Sơn nảy sinh ý định bắt giữ anh để tra tấn, ép phải làm. Sơn đã thuê Kiệm thực hiện việc này.
Ngày 13/3/2022, Sơn cùng Kiệm và Huấn đến chung cư Zenpark, ở Gia Lâm (Hà Nội), ép anh Fang Lijing lên ô tô, đưa đến căn hộ ở Khu đô thị Thanh Hà. Tại đây, Sơn lắp camera tại phòng khách, phòng ngủ để giám sát việc Kiệm, Huấn trông giữ anh Fang Lijing và toàn bộ dữ liệu được cài đặt trong điện thoại của Sơn. Để ép buộc anh Fang Lijing lập trình trò chơi đánh bạc, bị cáo Kiệm và Huấn thay nhau tra tấn nạn nhân.
Ngày nào, anh Fang Lijing cũng bị tra tấn, ép phải viết phần mềm trò chơi đánh bạc trên mạng Internet cho Sơn. Thậm chí, các bị cáo còn dùng máy khoan để dọa anh Fang Lijing, dùng kìm gây nhiều thương tích trên khắp cơ thể nạn nhân. Để tạo sức ép buộc anh Fang Lijing, các bị cáo còn không cho nạn nhân ăn thịt, cá và các thức ăn có nhiều dinh dưỡng.
Đến ngày 24/6/2022, bị cáo Hoàng được Kiệm thuê để giúp trông giữ anh Fang Lijing, dọn dẹp phòng, đi chợ nấu cơm và tham gia hỗ trợ việc đánh đập anh Fang Lijing với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Mặc dù bị các đối tượng tra tấn tàn bạo nhưng anh Fang Lijing vẫn không đồng ý thực hiện việc viết phần mềm trò chơi đánh bạc trên mạng Internet. Khi được lực lượng công an giải cứu, anh Fang Lijing bị thương tích nhiều vị trí trên cơ thể, sức khỏe yếu và được đưa đi cấp cứu.
Theo kết luận giám định, anh Fang Lijing bị tổn hại sức khỏe 88%. Hiện, đối tượng Sơn đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra tách hành vi của bị can này để xử lý sau.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Kiệm khai được một người đàn ông Trung Quốc tên là A Tiêu thuê anh ta bắt cóc, giam giữ và tra tấn nạn nhân với mức tiền công là 150 triệu đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo là man rợ, mất hết nhân tính, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần cho nạn nhân, gây phẫn nộ trong nhân dân… nên cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô