TP.HCM: Khu “siêu” xóm trọ công nhân đìu hiu khách thuê sau cả thập kỷ tấp nập

Cảnh chưa từng thấy hơn 15 năm nay

Bước một khu từng là “siêu” xóm trọ công nhân ở hẻm 58, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng biển cho thuê phòng treo nhan nhản, nhiều tấm biển được treo quá lâu đã bắt đầu bạc màu.

Bà Đào Thị Mỳ (một chủ trọ ở hẻm 58) cho hay, trong 15 năm qua dãy trọ của bà chưa từng thiếu người thuê, thậm chí có lúc bà còn đặt ra các tiêu chí để chọn lọc người thuê như quê quán, hoàn cảnh gia đình, cách sống có sạch sẽ, ngăn nắp không… chỉ khi qua “vòng sơ tuyển” đáp ứng các tiêu chí này bà mới đồng ý cho thuê.

Dù đặt ra nhiều tiêu chí như vậy, nhưng người thuê lúc nào cũng có sẵn thậm chí vì không còn chỗ thuê, bà Mỳ phải giới thiệu cho các chủ trọ khác ở gần đó. Nhưng khung cảnh tấp nập này chỉ là quá khứ vài năm trước, từ đầu năm đến nay, mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn…

Bà Mỳ cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, khi làn sóng sa thải khiến công nhân mất việc từ cuối năm 2022 vẫn còn tiếp diễn, công nhân ít việc, công ty giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, nhiều người sống tại dãy trọ của bà Mỳ không trụ nổi, lần lượt trả phòng về quê. Kể từ đó, khung cảnh tấp nập khi về đêm tại dãy trọ được thay thế bằng cảnh hiu hắt, tĩnh lặng của những căn phòng trọ trống, thi thoảng được tô điểm bằng những ánh đèn yếu ớt của những công nhân còn đang bám trụ tại TP.HCM.

TP.HCM: Khu
Bà Đào Thị Mỳ thi thoảng lại đến kiểm trả, dọn dẹp phòng trống để chờ người thuê.

“Công nhân bị thất nghiệp thì những chủ trọ như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, hiểu được điều này nên tôi đã giảm giá thuê cho công nhân từ 200.000 đồng nhưng vẫn khó kiếm được người thuê mới. Ngay cả như con dâu tôi đang làm công nhân cũng bị cho nghỉ luân phiên, không biết khi nào cuộc sống của công nhân mới ổn định trở lại như trước”, bà Mỳ nói.

Để kiếm người thuê phòng, suốt nhiều tháng qua, bà Mỳ phải nhờ người thân, bạn bè giới thiệu người thuê phòng, nếu ký được hợp đồng thành công, bà sẽ gửi lại tiền hoa hồng tương đương 100.000 đồng/phòng. Nhưng với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay những nỗ lực của bà đến nay vẫn như muối bỏ bể, xóm trọ của bà vẫn vắng khách thuê.

Chuyện của bà Mỳ cũng là cảnh ngộ chung của nhiều người kinh doanh phòng trọ ở các khu vực tập trung đông công nhân hiện nay tại quận Bình Tân. Chị Lê Thị Tùng (ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) có 20 phòng trọ cho thuê và bán tạp hóa ở đây hơn 10 năm, giờ như ngồi trên đống lửa bởi chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm này trước đây.

“Ở đây, tôi có hơn 20 phòng nhưng giờ còn 10 phòng còn có khách thuê, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại Thành phố. Các chủ phòng trọ ở đây treo biển cho thuê từ giữa năm 2022 nhưng chưa bao giờ được hết phòng. Bây giờ phòng nào bị trả thì coi như trống phòng đó luôn, từ đây đến đầu hẻm bảng cho thuê treo đầy mà có ai đến hỏi đâu”, chị Tùng nói.

TP.HCM: Khu
Chị Lê Thị Tùng thẫn thờ chờ người tới thuê trọ.

Với mức giá từ 800.000 đến 850.000 đồng/tháng, hơn 10 năm qua khu trọ của chị Tùng đều có công nhân ở kín phòng. Mỗi tháng, sau khi thu tiền phòng, trừ phí thuê đất, điện nước… chị cũng có được lợi nhuận. Chồng đi làm, chị Tùng ở nhà làm thêm nghề trông con cho công nhân nên vợ chồng vẫn đủ lo cho hai con ăn học.

Đủ chiêu “kích cầu”, “đỏ mắt” tìm khách thuê

Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ tại TP.HCM đã tìm cách để cứu vãn tình thế từ giảm tiền thuê xuống khoảng 20 – 30% giá phòng đến cho người thuê trả góp, hoặc nợ tiền thuê nhà tối đa 2 tháng để giảm áp lực. Nhiều hộ kinh doanh còn cho sơn sửa nhà trọ khang trang, lắp đặt thêm nhiều tiện ích để thu hút những khách có nhu cầu… Nhưng khi con số công nhân mất việc càng tăng, và cảnh công nhân rời bỏ phố thị về quê vì mất việc thì những nỗ lực này của chủ trọ cũng khó tìm lại cảnh nhộn nhịp khách thuê như các năm trước.

Mặc dù đã áp dụng nhiều “chiêu” thu hút người thuê trọ như trên nhưng chị Tùng (chủ cho thuê trọ) cho hay suốt nhiều tháng qua, số người trả phòng lúc nào cũng nhiều hơn người tới thuê phòng. Nhiều căn phòng trọ chị Tùng quyết định giảm từ giá 800.000 đồng/phòng/tháng xuống còn 500.000 đồng nhưng vẫn chẳng tìm được khách.

Thu nhập giảm sâu khiến việc chi tiêu của người lao động cũng giảm theo. Trước đây, ở tiệm tạp hóa, chị Tùng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, giờ đây chỉ vài chục nghìn đồng. Chẳng những vậy, số lượng công nhân đến mua rồi xin ghi nợ ngày càng nhiều khiến chị rất khó xử. Lật giở từng trang trong cuốn sổ ghi nợ dày cộm lên mỗi ngày, chị Tùng ngán ngẩm dò từng dòng: “Anh N. thiếu 500.000 đồng, chị T. thiếu 400.000 đồng…” danh sách ghi nợ cứ dài dằng dặc như con hẻm trọ nơi chị ở.

TP.HCM: Khu
Tiệm tạp hóa nhỏ của chị Tùng cũng ngày càng vắng người mua.

Anh Quách Văn Ngà (quê Sóc Trăng), công nhân Công ty Insee kể lại, cách đây khoảng 4 năm khi mới lên TP.HCM làm việc sau dịp Tết Nguyên đán, anh và vợ mình có lúc phải chạy xe cả ngày nhưng vẫn khó tìm được phòng trọ gần công ty. Dù xung quanh có nhiều khu trọ, nhưng lúc nào cũng trong tình trạng kín phòng, anh Ngà đành phải nhờ người quen giới thiệu mới tìm được một phòng trọ cách công ty gần 2 km.

Nhưng kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, nhiều người trong khu trọ của anh Ngà lần lượt trả phòng để về quê, đa số họ là những công nhất bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm, khiến thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Bản thân anh Ngà và vợ cũng đang bị giảm giờ làm, không có tăng ca nên thu nhập hai vợ chồng nay chỉ còn hơn 10 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt, ăn uống, chăm sóc con nhỏ… vợ chồng anh Ngà không còn dư lại bao nhiêu.

“Có lúc vợ chồng tôi cũng muốn về quê như mấy người khác, nhưng sợ sau này quay lại TP.HCM kiếm việc làm lại khó nên vẫn cố gắng bám trụ ở đây. Dù sao mình còn việc để làm cũng đỡ hơn những người khác bị cắt giảm, không có thu nhập”, anh Ngà cho biết.

TP.HCM: Khu
Con hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) nhan nhản các tấm biển “còn phòng cho thuê”, “cho thuê phòng” như thế này.

Trong khi đó, chị Hoàng Thanh Huyền (quê Bạc Liêu) cho hay, chị vẫn có việc để làm nhưng không nhiều như trước. Để giảm chi tiêu, chị đã ở ghép với một số chị em làm chung công ty. “Trước đây ở 2 người nhưng từ khi giảm việc, tôi đề xuất với chủ trọ được ở phòng 3 người để giảm chi phí thì được chủ trọ đồng ý”, chị Huyền tâm sự.

Ông Nguyễn Chí Hùng, Tổ trưởng Khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết, khu vực này chiếm 1/3 dân số của phường Tân Tạo A, đa số là công nhân từ các tỉnh đến thuê trọ. Sự sụt giảm bắt đầu từ sau dịch Covid-19 nhưng đỉnh điểm là đầu năm 2023 khiến dân số của khu phố 3 từ 22.000 người nay chỉ còn 15.000 người.

Khu vực từng đông người thuê trọ nhất là hẻm 58 và hẻm 60 với khoảng 1.000 công nhân lưu trú, nay chỉ còn khoảng 1/3. Trước đó, phòng 12 m2 có thể cho bốn người ở, giờ chỉ còn một người ráng bám trụ. Tình hình ảnh hưởng chung, một số công nhân thất nghiệp chuyển sang buôn bán ở các khu chợ, quán ăn, tiệm tạp hóa… cũng ế ẩm, nhiều nơi đóng cửa. Địa phương cũng động viên, vận động các chủ trọ cố gắng không tăng giá để hỗ trợ đời sống công nhân.

Dự kiến hỗ trợ thêm 145 tỷ đồng cho người lao động mất việc

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của nhiều đoàn viên công đoàn, người lao động và gia đình họ.

Nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên công đoàn, người lao động, ngày 16/1/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với mức hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng. Sau nửa năm, hơn 81.600 lao động nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 114,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023 có 509.903 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Dự báo, thị trường lao động 6 tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng. Tình hình này còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.

Trước tình hình trên, Thường trực Ðoàn Chủ tịch đề xuất Ðoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất ngày 31/3/2024. Tổng kinh phí dự kiến cho đợt hỗ trợ là khoảng 145 tỷ đồng.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích