Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong mô tim người
Lần đầu tiên phát hiện vi nhựa trong mô tim người
Các nhà khoa học đã phát hiện hạt vi nhựa trong tất cả các mẫu máu và mô tim được nghiên cứu.
Một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Anzhen Bắc Kinh – Trung Quốc đã thu thập các mẫu mô tim từ 15 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim, cũng như các mẫu máu được lấy trước và sau ca phẫu thuật. Điều gây bất ngờ đó là hạt vi nhựa được tìm thấy trong tất cả các mẫu máu và mô tim được họ thu thập.
Vi nhựa là những hạt nhựa cực nhỏ, dài chưa đến 5 milimét, được thải ra bởi các loại nhựa sử dụng một lần như chai lọ và bao bì thực phẩm, sau đó chúng được thải vào không khí, nước và thực phẩm xung quanh chúng ta.
Các nhà khoa học cho rằng các bệnh nhân đã hít phải hoặc nuốt phải vi nhựa. Trong máu, nhựa có thể bám vào màng ngoài của tế bào hồng cầu và có thể ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy của tế bào. Vi nhựa cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh ung thư, bệnh tim và chứng mất trí, cũng như các vấn đề về khả năng sinh sản. Các tế bào không thể phá vỡ các hạt nhựa trong cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm nghiêm trọng. Điều này đã được khẳng định sau khi một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng trung bình mỗi tuần, một người hít phải lượng vi nhựa bằng một chiếc thẻ tín dụng.
Đặc biệt, sau phẫu thuật, các mẫu máu của những người tham gia nghiên cứu chứa các loại nhựa nhỏ hơn nhưng đa dạng hơn, cho thấy một số vi nhựa đã được đưa vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật.
9 loại nhựa đã được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong 5 loại mô tim. Hàng chục đến hàng nghìn mảnh vi nhựa riêng lẻ được phát hiện bằng cách sử dụng hình ảnh tia laser và tia hồng ngoại, nhưng số lượng khác nhau giữa các bệnh nhân.
Các hạt cực nhỏ của poly (metyl metacryit) – một loại nhựa thường được sử dụng làm chất thay thế chống vỡ cho thủy tinh đã được tìm thấy ở ba phần khác nhau của tim. Các nhà nghiên cứu cho biết sự xuất hiện của chúng “không thể do vô tình tiếp xúc trong quá trình phẫu thuật”.
Các loại nhựa khác được tìm thấy bao gồm polyetylen terephthalate – loại thường được sử dụng trong hộp đựng quần áo và thực phẩm, polyvinyl clorua (PVC) – phổ biến trong vật liệu làm khung cửa sổ, ống thoát nước, sơn,…
Nhóm nghiên cứu cho biết: “Việc phát hiện các hạt vi nhựa là đáng báo động và cần có nhiều nghiên cứu hơn để điều tra cách các hạt vi nhựa xâm nhập vào các mô tim và tác động tiềm ẩn của chúng đối với tiên lượng lâu dài sau phẫu thuật tim”. Các nhà khoa học đồng thời lưu ý, thủ thuật y tế xâm lấn như phẫu thuật tim cũng là con đường đưa nhựa vào cơ thể, điều dường như bị bỏ qua trong các nghiên cứu trước đây.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology.
Các nhà khoa học trước đây đã phát hiện ra vi nhựa trong phổi, não và máu của người sống và người đã chết, nhưng lượng nhựa xâm nhập vào cơ thể chúng ta vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Tham khảo: dailymail.co.uk
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị