Hà Tĩnh: Giải pháp phát triển tôm nuôi trên cát

Tính đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 6.622 ha, trong đó có 2.322 ha nuôi ở nước mặn lợ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.422 tấn, với sản lượng nuôi ở nước mặn lợ đạt 3.140 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt 1.136 tấn; giá trị sản xuất ước đạt 290 tỷ đồng. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 diện tích tôm thả nuôi bằng 98%, sản lượng tăng 3,71% và giá trị sản xuất tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cho thấy, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển theo hướng tích cực, sản lượng và giá trị tăng khi diện tích nuôi giữ ổn định.

z4604601720156_f7a03e03c4a8e4941f62742d5c7d6570
Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan và làm việc tại mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hà Tĩnh;

Thủy sản ở Hà Tĩnh với thế mạnh là con tôm và đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 2.239ha, thì tôm thẻ chân trắng là 1.976 ha (chiếm 88,2% tổng diện tích nuôi tôm). Trong đó: nuôi thâm canh công nghiệp 629ha; nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến là 1.347 ha. Sản lượng nuôi đạt 5.469 tấn, doanh thu trung bình khoảng 260 triệu/ha; người nuôi có lãi 100 – 120 triệu đồng/ha.

Thời gian qua, tiếp tục có nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng, các dự án nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi công nghệ cao trên cát, đạt năng suất 8-10 tấn/ha/vụ (nuôi trong ao đất) và 15 – 20 tấn/ha/vụ (ao nuôi công nghệ cao trên cát). Việc phát triển nuôi tôm thâm canh đã làm cho sản lượng tôm nuôi tăng lên đáng kể, theo thống kê của Chi cục nuôi trồng thủy sản thì 6 tháng đầu năm sản lượng tăng,… so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Văn An – hộ nuôi tôm huyện Cẩm Xuyên chi sẻ: “Để nuôi tôm thành công thì tôi luôn tuân thủ khung lịch thời vụ thả giống nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm) của Sở Nông nghiệp và PTNT; đầu tư công trình nuôi đảm bảo, thiết kế đúng kĩ thuật. Trong điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn như hiện nay, việc đầu tư các mô hình nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định đạt được hiệu quả cao và phù hợp. Lựa chọn nguồn giống có chất lượng tốt. Tuyệt đối không mua giống trôi nổi trên thị trường.

Thực hiện quy trình nuôi nghiêm túc. Hiện nay, việc áp dụng quy trình nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm là giải pháp mang lại hiệu quả cao. Vừa đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, con người và cả môi trường. Quy trình nuôi được áp dụng đó là nuôi tôm VietGAP đối với nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao; nuôi tôm sinh thái thân thiện với môi trường đối với nuôi quảng canh và bán thâm canh. Tăng cường các giải pháp về quản lý môi trường, chất lượng sản phẩm và thị trường. Theo dõi diễn biến của thời tiết, quản lý môi trường đảm bảo chỉ số các yếu tố nằm trong giới hạn cho phép và tối ưu,…”.

Bà Huỳnh Thị Ánh Diệu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Bên cạnh những thành công đạt được thì nuôi tôm Hà Tĩnh vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm, giá cả thị trường đầu vào, đầu ra,… Đặc biệt hiện nay vấn đề diện tích và sản lượng tôm nuôi chúng ta đã quản lý tốt, nhưng vấn đề chất lượng và giá cả sản phẩm tôm nuôi còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vẫn là khi được mùa mất giá, được giá mất mùa và giá của con tôm nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP…) cũng bằng giá tôm nuôi theo quy trình thông thường. Do đó, để nâng cao chất lượng con tôm thì đối với các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý thích hợp, còn đối với người dân phải làm sao nâng cao nhận thức và tự thực hiện quy trình nuôi tôm đạt tiêu chuẩn như VietGAP, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định”. 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc – Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hiện nay toàn huyện Cẩm Xuyên có 600ha nuôi tôm, bên cạnh nhiều chủ cơ sở mạnh dạn đầu tư nuôi tôm theo hướng thâm canh, thâm canh công nghệ cao thì cũng có những hộ phát triển nuôi tôm theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường. Mặt khác, vẫn có một số hộ chuyển sang đối tượng khác như cá, cua,… thậm chí có những hộ phải dừng nuôi 1 thời gian”.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển nuôi tôm Hà Tĩnh cho thu nhập cao và bền vững, thì việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi tôm thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ và các hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân trong liên kết.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tăng cường thu hút, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, thủy lợi, điện cho các vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh,… thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến mạnh mẽ công tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ và kỹ thuật, phát triển các hình thức nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành NTTS tốt, NTTS có chứng nhận (VietGAP, BAP, CoC, ASC,…); tổ chức đánh số vùng nuôi để chủ động quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Khuyến khích, mời gọi sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ cao và ưu tiên cho các dự án, đề tài nghiên cứu về công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, sạch bệnh, công nghệ cao trong nuôi tôm, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, công nghệ xử lý nước thải trong NTTS với chi phí hợp lý, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản,…

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích