Ngành Tài nguyên môi trường Bắc Ninh: Bảo vệ môi trường thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế
Ngành Tài nguyên môi trường Bắc Ninh: Bảo vệ môi trường thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế
Hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về môi trường
Thực hiện quyết liệt Đề án bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và người đứng đầu trong bảo vệ môi trường; lựa chọn công nghệ tiên tiến cho công tác xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả các nhà máy xử lý rác thải, nước thải… là những đòi hỏi cấp thiết trong công tác bảo vệ môi trường chung của tỉnh.
Hiện nay, ngành Tài nguyên và Môi trường cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về môi trường như: 100% chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt các khu đô thị, 90% chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý; 100% cánh đồng được làm sạch, thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và chất thải đồng ruộng; 100% thôn, làng, khu phố phát động phong trào làm sạch đường làng ngõ xóm, gắn bảo vệ môi trường với các phong trào thi đua tại địa phương… Điều này cho thấy, công tác bảo vệ môi trường huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ý thức, trách nhiệm của toàn dân được nâng lên rõ rệt. Quyết tâm làm sạch môi trường của tỉnh đã, đang thành hiện thực. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường; quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường; quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến điểm tập kết; triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về ô nhiễm môi trường, nhất là đối với khu vực làng nghề, CCN làng nghề. Sở tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai mạnh mẽ các hoạt động kiểm tra, giải quyết các kiến nghị về môi trường; tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, CCN làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như: làng nghề Phong Khê, Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), CCN Phú Lâm (Tiên Du), xã nghề Văn Môn (Yên Phong)…; xử lý, ngăn chặn kịp thời, bước đầu có hiệu quả việc xả thải từ các làng nghề sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Tăng cường quản lý chất thải tại các địa phương nằm giáp ranh các khu, CCN có lượng công nhân sinh sống, làm việc lớn; xây dựng phương án di chuyển lượng rác thải tồn đọng tại các địa phương đến khu xử lý chung của tỉnh để giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm chất thải tồn đọng tại xã nghề Văn Môn (Yên Phong).
Điểm mấu chốt trong xử lý ô nhiễm môi trường chính là yêu cầu các Nhà máy đốt rác đang vận hành hết công suất; đôn đốc tiến độ xây dựng 4 khu xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng tại thị xã Quế Võ, huyện Lương Tài và thị xã Thuận Thành, đưa vào vận hành trong năm 2023 theo đúng cam kết với tỉnh, sẽ giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường hiện nay. Đến nay, 11/12 KCN triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng đều xây dựng Đề án xử lý tổng thể và đang tiến hành thực hiện nghiêm theo lộ trình; việc xử lý nước thải tại các đô thị, CCN, làng nghề được chú trọng thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh; các địa phương chưa có khu xử lý thất thải tập trung đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng 10 lò đốt rác công suất nhỏ để xử lý cấp bách rác thải sinh hoạt. Từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ, kết luận của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, nhằm tập trung quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; giảm thiểu tác động tiêu cực của các hoạt động khai thác tài nguyên đối với môi trường; kiểm soát, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Nguyên Hồng khẳng định: Sở tiếp tục chủ động tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp với tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường toàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, hạn chế, tiến tới giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề. Đôn đốc các ngành, địa phương triển khai các chương trình, chiến lược bảo vệ môi trường đã được tỉnh phê duyệt. Thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn môi trường của doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị