Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành

Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành

Trải qua gần 110 năm, chợ Bến Thành đã gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP.HCM. Công trình có dấu ấn của giai đoạn lịch sử đô thị, với kỹ thuật thi công đương đại, dấu ấn về hạ tầng đô thị.

Khi người Pháp đánh chiếm Sài Gòn, chợ cũng như một số công trình khác bị cháy, nên năm 1860 người Pháp cho xây chợ mới lùi sâu vào bên trong (nay là trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ). Ngôi chợ được xây bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp lá. Năm 1870, chợ bị cháy một gian và làm lại bằng cột gạch và khung sắt, mái lợp ngói. Chợ là nơi giao nhau giữa hai đường thủy là kênh lớn (nay là đường Nguyễn Huệ) và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi). Ghe thuyền có thể cập bến bên này hoặc bên kia nên việc mua bán diễn ra tấp nập, nhộn nhịp. Chữ Bến Thành xuất phát từ Bến nước và Thành thị (Thành Quy).

Những năm đầu 1900, Sài Gòn bắt đầu phát triển mạnh; cũng như nhiều TP lớn trên thế giới, chính quyền tìm đất để xây các công trình đại diện như nhà hát, tòa thị chính và chợ trung tâm. Tới năm 1908 mới chọn được địa điểm xây dựng chợ mới tại ao Bồ Rệt (Marais de Boresse), một khu đầm lầy ẩm thấp. Ngôi chợ mới có tên gọi là Le Marche Central, người Việt gọi là chợ Sài Gòn hay chợ mới Bến Thành do hãng thầu Brossard et Maupin xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914. Kết cấu ban đầu của chợ Bến Thành là khung cột dầm bê tông, lợp ngói. Lần sửa chữa năm 1952, người ta cho lắp đặt thêm 12 bức tranh bằng gốm Biên Hòa vào bốn mặt cửa chợ… Trải qua gần 110 năm, chợ đã gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP.HCM.

Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Vị trí chợ Bến Thành cũ trong bản đồ Sài Gòn, Nam Kỳ năm 1878

Vì sao phải bảo tồn chợ Bến Thành và khu vực quảng trường (bùng binh quách thị trang)?

Giá trị lịch sử: Công trình có dấu ấn của giai đoạn lịch sử đô thị, với kỹ thuật thi công đương đại, dấu ấn về hạ tầng đô thị: Kết nối các trục giao thông và tạo thành một điểm cảnh quan mà gợi nhớ lên nét của đô thị. Cũng như Dinh tỉnh trưởng của Đà Lạt, có thể không phải là một công trình mang giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc nhưng với vai trò định danh nơi chốn của nó, nó là một di sản xuất hiện thời kỳ đầu, có sự cân nhắc rất kỹ khi chọn địa điểm xây dựng. Là nhân chứng lịch sử, Chợ Bến Thành với Sài Gòn – TP.HCM cũng có vai trò tương tự dinh tỉnh trưởng và khu vực đồi dinh của Đà Lạt. Vì vậy chợ và khu vực các dãy shophouse xung quanh cửa Đông, Tây, Bắc cần được bảo tồn.

Kinh tế: Nếu được bảo tồn, công trình dễ dàng được phát triển tiếp trong giai đoạn mới, khai thác hiệu quả di sản đô thị, đưa di sản tham gia vào hoạt động kinh tế đô thị trong tương lai. Đô thị vẫn giữ được hồn của nó, là đô thị từ thời pháp và được nghiên cứu quy hoạch bài bản, như vậy đô thị sẽ hấp dẫn hơn vì phát triển đi đôi với giữ bản sắc. Nếu được kết nối với các công trình mới như trung tâm thương mại ngầm ở nhà ga metro Bến Thành, khu đi bộ đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi… để tạo các tuyến đi bộ, các khu chợ đêm… thì chợ còn tạo ra được quần thể hoàn chỉnh, tạo ra nét đặc sắc cho khu trung tâm, thu hút du lịch.

Văn hóa – xã hội: Xét các yếu tố về tinh thần, ký ức, nơi chốn, con người, tính bản địa, nếu như trụ sở UBND TP đóng vai trò là “thành”, thì chợ Bến Thành đóng vai trò là “thị” cần được bảo tồn và kết nối thành không gian đi bộ trong tương lai trong việc kết nối các không gian khác trong lõi trung tâm lịch sử của Sài Gòn – TP.HCM. Chợ Bến Thành tiếp cận với các trục giao thông khu vực, nhất là các tuyến metro kết nối với nhà ga trước cửa Nam chợ. Đây là yếu tố quan trọng để du khách đến tham quan Sài Gòn có thể tiếp cận công trình từ nhiều loại hình phương tiện khác nhau.

Chức năng trong đô thị: Cũng như các đô thị lớn trên thế giới mà người Pháp quy hoạch, các ngôi chợ cùng với bưu điện, nhà hát, nhà thờ là những công trình cơ bản đầu tiên, được đặt tại trung tâm các đô thị. trên tổng thể khu vực, chợ Bến Thành vừa là không gian chợ vừa đóng vai trò như một quảng trường của khu vực đã bị tác động thay đổi với các cao ốc được xây dựng mới xung quanh. Nếu phá hủy chợ để xây thêm trung tâm thương mại hay cao ốc văn phòng sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực về mặt hạ tầng đô thị. trong khi đó ở khu vực hiện có rất nhiều trung tâm thương mại và cao ốc thương mại.

Giá trị kiến trúc: Nét đặc trưng của kiến trúc chợ Bến Thành cũng giống như những chợ ban đầu mà người Pháp xây dựng ở Việt Nam, những khu nhà lồng chợ mái ngói dốc, xương và vòm bê tông mảnh, nhẹ… Tuy nhiên, nét riêng của chợ Bến Thành là cổ lầu: Ở mặt Nam chợ bố trí tháp đồng hồ nhô lên bên trên, cũng là nét đặc trưng vốn có của chợ Bến Thành, cũng là một trong những biểu tượng quan trọng của Sài Gòn – TP.HCM. Bên cạnh đó, các tác phẩm tranh bằng gốm Biên Hòa, do bàn tay người Việt thực hiện (họa sỹ Lê Văn Mậu, giảng viên trường Mỹ nghệ Biên Hòa sáng tác và phối hợp chế tác cùng các nghệ nhân gốm của xưởng Mỹ nghệ Biên Hòa). Những bức phù điêu gốm được gắn từ năm 1952, trải qua hơn 70 năm cũng là giá trị cần được bảo tồn.

Vai trò quảng trường – Chợ Bến Thành trong kết nối đô thị: Người Pháp coi chợ Bến Thành là trung tâm TP của người Pháp (TP Sài Gòn) cũng như chợ Kim Biên là trung tâm TP của người Hoa (Chợ Lớn). Vì vậy, ngay sau khi xây Chợ Mới, năm 1914 họ đã cho làm đại lộ rộng lớn (boulevard) nối từ chợ Bến Thành tới khu Chợ Lớn và đặt tên Galliéni (tên vị tướng trong lịch sử của Pháp), sau 1954 là đường Trần Hưng Đạo. Vì vậy, có thể nói chợ Bến Thành là điểm đầu kết nối Sài Gòn – Chợ Lớn, có vai trò thúc đẩy giao thương. Ngay khi làm đường chưa xong, một tuyến xe điện đi từ khu vực chợ Bến Thành vô Chợ Lớn đã đi vào hoạt động (cho đến năm 1953). Trước đó rất lâu, khu vực này đã có ga xe lửa Sài Gòn với tuyến xe lửa đầu tiên của Đông Dương: Sài Gòn – Mỹ Tho hoạt động từ năm 1886 – 1959. xe lửa, xe điện, xe đò, xe ngựa, xe kéo… lẫn cảng sông đều có quanh chợ.

Vì vai trò kết nối này từ quá khứ, quảng trường chợ nếu tiếp tục được kết nối mạnh hơn (kết nối với nhà hát TP. Tòa nhà UBND TP (Dinh Xã Tây) để có những trục đi bộ thì sẽ hoàn chỉnh được mạng lưới cảnh quan khu trung tâm phục vụ du lịch.

Cảnh quan đô thị: Chợ Bến Thành là dấu ấn quan trọng về sự hình thành TP Sài Gòn – TP.HCM. Nếu chợ Kim Biên đại diện cho Chợ Lớn thì Chợ Bến Thành mang đậm giá trị văn hóa lịch sử cho Sài Gòn cần phải được bảo tồn. Chợ và dãy nhà phố chợ (shophouse) được xây dựng từ năm 1914 là kiến trúc thấp tầng, nó tạo một khoảng trống đủ lớn để có những khoảng nhìn rộng. Hình thái này là điểm nhấn cảnh quan của đô thị mà không phải là các cao ốc, trung tâm thương mại cao tầng…

Trên thế giới, các chợ cũ hình thành từ buổi ban đầu xây dựng đô thị, người ta vẫn bảo tồn và khai thác cho đến ngày nay. Đáng chú ý như chợ Lau Pa Sat ở Singapore, chợ nằm lọt thỏm giữa khu cao ốc tài chính, giữa một khu đất đắc địa người ta vẫn bảo tồn và khai thác tốt. đây là địa chỉ quen thuộc khi khách du lịch đến tham quan Singapore.

Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Lịch sử chợ Bến Thành-chợ cũ trên kênh Charner
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Chợ Bến Thành 1920-1929
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Quảng trường phía trước chợ

Giải pháp bảo tồn quần thể chợ và bùng binh

Giải pháp kết nối và phát triển bền vững: Kết nối các không gian xanh như công viên 23/9 và nhà ga Metro, giao thông tiện lợi, kết nối với các công trình di sản trong quần thể lõi trung tâm Sài Gòn. Quy hoạch lại các gian hàng trong chợ đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời kết nối và phát triển chợ đêm trên bốn trục đường xung quanh chợ để khai thác tối đa tiềm năng di sản, quảng bá hình ảnh Sài Gòn đến với khách du lịch và cộng đồng. Bảo tồn, trùng tu và không tác động đến các khu vực lân cận, giữ cả quần thể chứ không chỉ giữ duy nhất chợ – Vì yếu tố cảnh quan và quần thể di sản là rất quan trọng.

Về biện pháp kỹ thuật xây dựng: Hiện trạng khung kết cấu chợ bằng bê tông cốt thép ổn định vẫn đảm bảo việc trùng tu công trình và sử dụng tốt sau khi trùng tu. Cần khôi phục lại kiến trúc nguyên trạng ban đầu (mái lợp ngói, không phải mái tôn như hiện nay) để giảm bớt hiệu ứng nhiệt và để tạo giá trị thẩm mỹ cao hơn.

Phải bảo tồn quần thể kiến trúc chứ không bảo tồn đơn lẻ duy nhất công trình điểm nhấn: Chúng ta tách từng công trình riêng lẻ ra phân tích theo một hệ tiêu chí nào đó giống như một bó đũa bị xé lẻ. Đối với một vài công trình không đạt điểm và những tiêu chí để xếp hạng thì nó bị xếp loại thấp và bị phá bỏ. Giống như một vài mắt xích bị gỡ bỏ trong cả quần thể, những công trình điểm nhấn và những công trình quan trọng cũng dần trở nên lạc lõng vì vây quanh nó là những công trình nhỏ đã bị thay thế bằng những công trình mới quá xa lạ. Sự kết nối công trình với không gian đô thị là rất quan trọng. Vì vậy, những công trình dù nhỏ hay lớn, nếu nó nằm trong một quần thể thì cần phải được bảo tồn và coi trọng nó như là coi trọng cả một mảng thuộc về giai đoạn lịch sử.

Về pháp lý: Cần công nhận Chợ Bến Thành là di tích để nó được ứng xử đúng như một di tích. Những điểm giá trị của công trình chợ Bến Thành phải được đưa vào các tiêu chí và phải được công nhận là di tích lịch sử của đô thị; từ đó nó mới có cơ sở để được bảo tồn và phát huy giá trị. Vừa qua, TP đã bảo tồn khá tốt chợ Bình Tây. Đối với chợ Bến Thành, được xây dựng trước chợ Bình Tây và có giá trị về nơi chốn hơn, càng cần phải có biện pháp bảo tồn.

Đưa chợ và quảng trường chợ vào trong quy hoạch chi tiết, cần có cuộc thi thiết kế cảnh quan khu vực quảng trường kết nối nhà ga Metro và khu vực quanh chợ để tìm giải pháp ứng xử giữa công trình mới và công trình di sản. Cân nhắc sự hài hòa về cảnh quan khu vực này sẽ thực sự tạo ra một cơ hội, giá trị mới cho đô thị khu vực này phát triển.

Xây dựng kịch bản để di sản “sống” tiếp và “sống” khỏe: Một vấn đề rất cần lưu ý trong bảo tồn, đó là sau bảo tồn và trùng tu, di sản sẽ sống tiếp như thế nào? Nó có đóng góp gì cho đô thị hiện đại không? Có tạo ra được một câu chuyện gì thật sự hay cho giai đoạn mới không? Hay là sau khi trùng tu, lại tiếp tục xuống cấp và dẫn đến bảo tồn không được trọn vẹn? Những người làm công tác xã hội phải nhìn từ nhiều khía cạnh. Nếu chỉ tập trung vào bảo tồn thuần túy mà không tạo điều kiện cho nó đóng góp vào hoạt động của đô thị ở giai đoạn phát triển tiếp theo thì rất dễ dẫn đến sai lầm, bảo tồn tốn kém mà công trình lại tiếp tục xuống cấp.

Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Cảnh quan khu vực chợ Bến Thành 1920 (Chợ Mới)
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Chợ Bến Thành – Đường Gallieli
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Đường Gallieli 1955

Chợ Bến Thành là một trong vài công trình di sản kiến trúc đô thị còn sót lại từ buổi ban đầu xây dựng Sài Gòn, mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của người Sài Gòn – Gia Định. Phải tiếp tục bảo tồn và gìn giữ, khai thác giá trị văn hóa, đô thị – dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này. Đó là xu hướng tất yếu để một đô thị phát triển bền vững. Chúng ta không vì nhu cầu phát triển đô thị hiện đại mà phá bỏ các công trình lịch sử, công trình di sản đô thị. Phát triển đô thị phải dựa trên yếu tố văn hóa, bản sắc vốn có của nó, không vì phát triển mà triệt tiêu các giá trị bản sắc của một đô thị, bảo tồn và phát triển đô thị cần tính tới các yếu tố phát triển bền vững.

Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Kết cấu đỡ mái bên trong chợ Bến Thành 1
Tiếp tục bảo tồn và tôn tạo khu vực chợ Bến Thành - Tạp chí Kiến Trúc
Đường phố Sài Gòn năm 1910.

PGS.TS.KTS. Nguyên Hạnh Nguyên
Trưởng Khoa Kiến trúc – Nội thất – Mỹ thuật ứng dụng, ĐH Nguyễn Tất Thành

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích