Quy định về thế chấp nhà xưởng trên đất thuê
(Xây dựng) – Liên quan đến thế chấp tài sản trên đất thuê, điểm d Khoản 2 Điều 174 Luật Đất đai 2013 quy định rõ về quyền của tổ chức được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê/trả tiền thuê đất hàng năm được phép thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam (ảnh minh họa). |
Điều 174, Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: Thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Đối với quyền của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, điểm b Khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê/trả tiền thuê đất hàng năm được phép thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.
Do đó, tổ chức kinh tế được phép thế chấp nhà xưởng trên đất thuê khi đáp ứng đủ điều kiện và đúng thủ tục theo quy định. Bên thế chấp nhà xưởng được khai thác công dụng, hưởng lợi tức từ tài sản thế chấp.
Ngoài ra, bên thế chấp nhà xưởng trên đất thuê có quyền cho thuê, cho mượn lại nhà xưởng này nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký đối với tài sản gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu gồm: 1 bản chính phiếu yêu cầu theo Mẫu số 1a; Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực); Giấy chứng nhận (bản gốc).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, trường hợp không có căn cứ từ chối đăng ký thì Văn phòng đăng ký đất đai ghi, cập nhật nội dung đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào sổ đăng ký và giấy chứng nhận.
Sau khi ghi vào sổ đăng ký và giấy chứng nhận thì chứng nhận nội dung đăng ký và thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Nguồn: Báo xây dựng