Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu
Tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 11/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về nội dung chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”
Tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn (KTTV), thể chế về quản lý KTTV đã được tăng cường; Năng lực giám sát biến đổi khí hậu đã có tiến bộ. Đến nay, mạng lưới trạm KTTV quốc gia có khoảng 1800 trạm với tỉ lệ tự động hóa các hoạt động quan trắc KTTV đạt từ 70 đến 80%; hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của 10 trạm ra đa thời tiết; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất theo chuẩn quốc tế.
Đáng chú ý, đã xây dựng năng lực và công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, thiên tai KTTV đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. “Độ chính xác về dự báo vị trí và cường độ bão hiện nay đã dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Dự báo, cảnh báo mưa lớn đạt trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày và ở khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày thường đạt 70-80%. Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày với độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng chính xác từ 80-90%, ông Cường cho biết.
Từ những kết quả đạt được, theo ông Hoàng Đức Cường, hiệu quả của các bản tin dự báo đã đem lại đóng góp thực tế đối với xã hội. Cụ thể, năm 2019, trong dự báo hạn mặn, nhờ dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên mức độ thiệt hại đến sản xuất, dân sinh được giảm thiểu đặc biệt là thiệt hại về sản xuất nông nghiệp chỉ bằng khoảng 10% so với năm 2016.
Năm 2022, dự báo sát về cường độ bão số 4 (bão Noru), giúp Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương các cấp, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản của nhân dân…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên theo ông Hoàng Đức Cường, ngành KTTV đã và đang gặp một số thách thức, tác động khách quan, chủ quan như vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều tác động tiêu cực thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo.
Xác định công tác dự báo, cảnh báo thiên tai có vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, theo ông Cường, Tổng cục KTTV đã xác định thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới như triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25.9.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18.6.2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7.6.2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” và Đề án “Tăng cường dự báo, đánh giá tác động và các giải pháp phòng, chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”, nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là thiên tai về sạt lở đất, đá.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị