Hầu hết các nước thành viên EU vi phạm giới hạn về ô nhiễm không khí

Hầu hết các nước thành viên EU vi phạm giới hạn về ô nhiễm không khí

MTĐT –  Thứ tư, 22/09/2021 10:18 (GMT+7)

Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU) đã vi phạm ít nhất một giới hạn về ô nhiễm không khí trong năm ngoái.

Báo cáo dữ liệu từ các trạm giám sát của EEA cho thấy hầu hết trong số 27 quốc gia thành viên EU đã vượt quá ít nhất một giới hạn về ô nhiễm không khí mà liên minh đặt ra cho năm 2020.

Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết các điểm nóng tại tám quốc gia đã vượt quá giới hạn theo năm về ô nhiễm khí NO2. Con số này đã giảm bớt một phần vì các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 dẫn tới giảm xe lưu thông trên đường. Giao thông là nguồn chính thải khí NO2, loại có thể gây bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp.

Trong khi đó, có tám quốc gia vi phạm các giới hạn theo ngày về ô nhiễm vật chất dạng hạt trong năm ngoái, so với 16 quốc gia vi phạm trong năm 2019. Chỉ hai nước vi phạm giới hạn về ô nhiễm hạt theo năm vào năm 2020.

tm-img-alt
Khí thải NO2, loại có thể gây bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp. Ảnh minh họa

Việc phơi nhiễm với vật chất dạng hạt có thể gây ung thư phổi và các bệnh tim mạch. Các nguồn chính gây ra tình trạng này là việc đốt nhiên liệu cứng. Theo dữ liệu của EEA, mức ô nhiễm hạt đặc biệt cao ở những vùng Trung Âu và Đông Âu, nơi than đá được sử dụng phổ biến để sưởi ấm.

Tổng cộng 17 nước EU đã vi phạm các mục tiêu của EU đặt ra trong năm ngoái về mức độ ô nhiễm tầng ozone, một loại ô nhiễm do các phản ứng hóa học giữa nhiệt độ, ánh sáng với các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu các biện pháp phong tỏa ngừa COVID-19 đã tạo ra tác động rất nhỏ tới tình trạng ô nhiễm tầng ozone, bởi điều này cũng phụ thuộc vào các điều kiện khí tượng.

Nhằm giảm tỷ lệ chết yểu liên quan đến ô nhiễm không khí, Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch sửa đổi các mức giới hạn ô nhiễm trong năm tới nhằm phù hợp hơn với các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)./.

Nhật Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích