Phục dựng không gian văn hóa Hồ Văn, hướng tới phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch
Công trình phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đang chuẩn bị khởi động lại các hạng mục tu tạo sau thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Công trình dự kiến sẽ sớm hoàn thành để mang lại không gian văn hóa, tạo điểm nhấn thu hút khách.
Giá trị lịch sử
Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa thuộc thôn Minh Giám (tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương) nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) với diện tích rộng 54.331m2, bao gồm cả hồ Văn, vườn Giám và khu nội tự.
Hồ Văn nhìn từ phía Đông. |
Hồ Văn nằm trước mặt Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng bị chia cắt bởi phố Quốc Tử Giám. Hồ có khuôn viên rộng 11.932m2 (theo số liệu lúc lập hồ sơ năm 2017), giữa hồ là gò Kim Châu.
Nguồn gốc của gò Kim Châu từ thời Lê và ở nhiều triều đại khác là nơi nho sinh ra bình thơ, bình văn. Cụ thể, trên tấm bia đá còn lại trên hồ Văn cũng ghi rõ thời Lê trên gò Kim Châu có dựng Phán Thủy Đường là nơi tụ họp bình văn, đọc thơ của các sĩ phu Bắc Hà. Đến thời Nguyễn, nơi đây lại dựng đình ngói giữa hồ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà trước đây khu vực này bị để hoang.
Phải từ năm 2016, các hoạt động như triển lãm, hội chữ Xuân, hoạt động văn hóa trải nghiệm được diễn ra thì hồ Văn mới bớt phần nhếch nhác và được chỉnh trang lại một phần. Song, không gian đúng nghĩa cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật để phục vụ cộng đồng, phát huy giá trị di tích vẫn chưa được thực hiện.
Phát huy giá trị lịch sử
Từ đầu năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho ý kiến, cơ bản đồng ý về việc thỏa thuận chủ trương phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại hồ Văn. Tuy nhiên, gần 5 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể thực hiện.
Chính vì vậy, đến nay Hà Nội quyết tâm thực hiện và hoàn thành dự án mang tên phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại hồ Văn. Dự án đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội.
“Dự án sẽ có 200 ngày để thi công và sẽ cố gắng hoàn thành cơ bản trong năm 2021”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử chia sẻ.
Phối cảnh công trình tu tạo tại gò Kim Châu. |
Theo ông Lê Xuân Kiêu, việc triển khai dự án này nhằm trả lại một thành phần quan trọng với đúng chức năng và vị trí vốn có trong tổng thể khu di tích; góp phần làm tăng giá trị cảnh quan khu vực đô thị xung quanh, đồng thời phát huy giá trị tổng thể khu di tích.
Một trong những nhiệm vụ của dự án là phục dựng tòa Phương đình. Hiện nay, kiến trúc, chất liệu và phương án kỹ thuật đã được các chuyên gia thống nhất. Tòa Phương đình được phục dựng theo tiêu chí là kiến trúc duy nhất trên gò, nằm ở vị trí trung tâm trên trục thần đạo của tổng thể khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mang dáng dấp đậm nét của kiến trúc Việt.
Đối với 2 cây si cổ thụ tạo nên một màu xanh giữa hồ cũng sẽ được bảo tồn; Cùng với đó là bia đá bởi đây là một trong những thành phần có giá trị lớn nhất trên gò, gắn liền với sự hình thành và phát triển của gò Kim Châu. Theo đó, hai bia đá trong khu vực thờ tự cũ sẽ được di dời sang vị trí mới trong khuôn viên bồn hoa phía Nam gò Kim Châu. Các phần việc như tôn tạo sân vườn, cảnh quan kè hồ… cũng được chú trọng thực hiện. Bắc qua gò sẽ là cây cầu đá tạo thuận lợi cho khách tham quan ra gò.
Phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và khu vực hồ Văn. “Cùng với đó, hiện nay Trung tâm cũng đang hoàn thiện dự án tôn tạo và phát huy giá trị hồ Văn gắn với phát triển du lịch theo chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Khi dự án tổng thể được hoàn thành sẽ đưa nơi đây trở thành một điểm thu hút khách du lịch ”, ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Còn theo ông Trương Minh Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, việc phục dựng tòa phương đình và tôn tạo gò Kim Châu sẽ góp phần tạo cảnh quan chung khu vực di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và thúc đẩy thu hút khách thông qua các sự kiện văn hóa tổ chức tại nơi dây, đồng thời gìn giữ các di sản văn hóa, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp du lịch, ông Đặng Thanh Tùng – Giám đốc Công ty New World Travel cho rằng: Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là điểm đến với nhiều du khách trong và ngoài nước, biểu tượng của nền văn hiến Thủ đô, là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Do đó, việc tôn tạo cảnh quan của hồ Văn gắn liền với cảnh quan chung của khu di tích, mang đến cho du khách có góc nhìn cụ thể hơn về sự học của thế hệ trước.
Nguồn: Báo xây dựng