Phú Thọ: Triển khai phương án đảm bảo giao thông an toàn mùa mưa bão
(Xây dựng) – Phú Thọ là tỉnh có địa hình khá phức tạp, một số địa phương thường xảy ra sạt lở, sụt trượt, ngập úng… gây hư hỏng, chia cắt và làm thiệt hại về cơ sở hạ tầng giao thông.
Công nhân Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Phú Thọ bảo dưỡng, khơi thông cống rãnh để thoát nước sau mưa bão. |
Một số huyện miền núi như huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập… có địa chất không ổn định lại có độ dốc lớn, vì vậy dễ xảy ra rủi ro thiên tai như lũ, lũ quét, sạt lở đất… Theo thống kê, năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 đợt thiên tai, xử lý sụt taluy dương trên 7.515m3; sụt taluy âm 115m3; hư hỏng rãnh dọc trên 182m; hư hỏng hộ lan 100m; hư hỏng mặt đường trên 558m2 cùng với đó làm ngập đường cục bộ một số đoạn tuyến, sạt lở mái taluy làm ách tắc giao thông. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị và chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà các điểm bị ách tắc đã nhanh chóng được khắc phục để hoạt động giao thông trở lại bình thường.
Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản và đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão năm nay, Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phòng chống cũng như biện pháp khắc phục, ứng cứu tới tất cả các địa phương, cũng như các đơn vị trong ngành.
Trước mùa mưa bão, Sở chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý các tuyến đường tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường tỉnh được giao quản lý. Qua đó xác định các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông; kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ, để có biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Thường xuyên nạo vét rãnh dọc, rãnh ngang, thông thoát lòng cầu, cống, phát quang bốn thượng, hạ lưu cầu, cống. Cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo ở những vị trí nguy hiểm; trang bị biển báo để hướng dẫn giao thông khi có tình huống xảy ra… Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý dự án xây dựng và bảo trì công trình giao thông và các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án công trình, sửa chữa nâng cấp trên các tuyến đường tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công; xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công cụ thể cho từng công trình, ưu tiên làm hệ thống thoát nước, công trình vượt nước xong trước mùa mưa bão và xây dựng phương án cụ thể, bố trí lực lượng trực ban, phương tiện, vật tư… theo dõi và xử lý, ứng cứu kịp thời sự cố khi có mưa lũ xảy ra tại khu vực thi công, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho người và máy móc thiết bị thi công công trình.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của Sở (Phòng Giao thông và An toàn giao thông) tổ chức thường trực 24/24 giờ theo quy định trong thời gian bão lũ. Trường hợp sạt lở đất vùi lấp người và phương tiện giao thông, Sở sẽ phối hợp với địa phương, các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Thành phố Hà Nội, Khu quản lý đường bộ I; Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1và số 9 tổ chức phân luồng, điều hành đảm bảo giao thông, chống va trôi, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Nguồn: Báo xây dựng