Tìm nguyên nhân để ứng phó với xói lở đất đồi rừng ở Sóc Sơn

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết huyện yêu cầu Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn có rừng thực hiện ngay việc xói, lở đất, ngập úng.

Tìm nguyên nhân để ứng phó với xói lở đất đồi rừng ở Sóc Sơn
Hình ảnh các phương tiện bị mắc kẹt trong dòng nước bùn đất đỏ khu vực cạnh hồ Đồng Đò, Sóc Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 4/8, tại xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn, huyện Sóc Sơn đã triển khai ngay các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, công trình của người dân.

Tập trung đánh giá nguyên nhân gây xói lở, đất

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, cho biết việc nước mưa chảy thành dòng theo đường đi ở các khu đồi rừng là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, tại xóm Ban Tiện vừa qua là do một số vật cản từ đất đá, cây gẫy, phương tiện đỗ dừng ven đường đã tạo ra ách tắc dùng chảy, dẫn đến ngập, úng cục bộ.

Huyện đã nhanh chóng chỉ đạo xã và đơn vị liên quan, sử dụng máy súc, gạt đất, cứu hộ các phương tiện. Mặc dù không còn cảnh mắc kẹt xe, tuy nhiên khu vực này vẫn còn nhiều đất đá, bùn nhão nên phương tiện vẫn được cảnh báo chưa nên di chuyển qua lại khu vực.

Về nguyên nhân vụ việc xảy ra tại Ban Tiện, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, cho biết huyện cũng yêu cầu Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn có rừng thực hiện ngay việc kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, xác định trách nhiệm để xảy ra vụ việc xói, lở đất, ngập úng tại Đội 5, xóm Ban Tiện, xã Minh Phú vừa qua. Cùng với đó, các ngành liên quan báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện biện pháp xử lý lâu dài đảm bảo an toàn, phòng ngừa xói lở, ngập úng trên địa bàn các xã có rừng theo quy định.

Cùng với đó, để tránh tình trạng tương tự xảy ra, ngay trong đêm 4/8, huyện yêu cầu các xã thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, sự cố và các chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp; thường xuyên thông tin, cảnh báo, hướng dẫn người dân nhân biết, phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, sạt lở trên địa bàn.

Trong đó, chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung biện pháp ứng phó, xử lý các điểm xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ, sự cố do thiên tại có thể gây ra, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ;” phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị Quân đội, Công an đóng trên địa bàn, sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo các phương án, kế hoạch đã xây dựng, đảm bảo thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Cũng theo ông Minh, huyện đặc biệt lưu ý các địa phương khi xảy ra sự cố sạt trượt, xói lở đất, ngập úng trên địa bàn phải kịp thời nắm tình hình và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu. Các xã Bắc Phú, Tân Hưng phối hợp với Ban quản lý rừng Sóc Sơn, Xí nghiệp Thủy lợi huyện và đơn vị chức năng ứng trực, kiểm tra theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời ngay từ đầu đối với sự cố nứt ngang đê trên đỉnh cống tiêu Cẩm Hà, mái đê thượng lưu Hữu Cầu, xã Bắc Phú.

Chủ động 4 tại chỗ để chống úng, ngập

Đối với xã có đồi rừng, huyện Sóc Sơn chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lập ngay danh mục toàn bộ các vị trí xung yếu có nguy cơ úng ngập, sạt trượt, xói lở nguy hiểm, từ đó tuyên truyền và cắm ngay biển cảnh báo để người dân biết và phòng tránh. Tại một số vị trí phù hợp, có thể lập hàng rào nghiêm cấm người và phương tiện qua lại để phòng ngừa tai nạn.

Tìm nguyên nhân để ứng phó với xói lở đất đồi rừng ở Sóc Sơn
Nhiều ô tô bị mắc kẹt tại khu vực cạnh hồ Đồng Đò (Sóc Sơn) do mưa lớn. (Ảnh: TTXVN phát)

Đề cập đến việc trên địa bàn huyện có Khu xử lý chất thải Nam Sơn, (bãi rác Nam Sơn) có một số ô chôn lấp đang quá tải, nguy cơ rò rỉ nước rác, ông Nguyễn Văn Minh thông tin, huyện đã chỉ đạo các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành bãi rác thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ giờ đầu sự cố tràn bờ, sạt lở, rò rỉ nước rác. Huyện bố trí nhân lực, sẵn sàng tham gia ứng phó, ứng cứu, khắc phục hậu quả khi có tình huống xấu xảy ra.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn, mấy ngày qua, trên địa bàn có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa trung bình trên 62mm (thấp nhất là 36mm, cao nhất là 150m). Do ảnh hưởng của mưa, một số xã có rừng đã xảy ra hiện tượng xói, lở đất, gây úng ngập cục bộ trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn Sóc Sơn có lúc vẫn có mưa vừa đến mưa to, do đó, các bộ phận liên quan được yêu cầu ứng trực một cách nghiêm trúc, ngay cả vào ban đêm.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Hà Nội cũng vừa đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện Sóc Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, thiên tai, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành phố; đồng thời chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho dân cư tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn.

Đặc biệt, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn huyện Sóc Sơn rút kinh nghiệm trong công tác tổng hợp, thông tin báo cáo; chủ động báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình, diễn biến thiên tai và công tác ứng phó, khắc phục thiên tai trên địa bàn, tránh chậm, muộn./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích