Thái Nguyên: Đổi vị trí xây dựng Nhà máy xử lý môi trường?
(Xây dựng) – Theo Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư mới được ban hành, Dự án Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hòa Lâm Tân Thành sẽ được thay đổi từ 8,35ha tại xóm Hoà Lâm, xã Tân Thành lên 30ha tại xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình.
Ngày 31/7/2019, huyện Phú Bình công bố quy hoạch chi tiết Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hoà Lâm Tân Thành (Ảnh TL). |
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hoà Lâm Tân Thành do Công ty TNHH công nghệ xử lý môi trường Thái Nguyên (thành lập ngày 31/01/2018; địa chỉ: Số nhà 20, Ngõ 4, Đường Minh Cầu, Phường Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 2737/QĐ-UBND ngày 29/8/2019.
Theo quy hoạch được phê duyệt, Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hoà Lâm Tân Thành được quy hoạch trên diện tích 8,35ha, thuộc xóm Hoà Lâm, xã Tân Thành, huyện Phú Bình. Công trình gồm các phân khu chức năng chính: Khu nhà máy dây chuyền xử lý, phân loại rác thải; khu công cộng dịch vụ; các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật; đất giao thông, bãi đỗ xe khu sản xuất… Đồng thời với việc xây dựng nhà máy, nhà đầu tư là Công ty TNHH công nghệ xử lý môi trường Thái Nguyên sẽ tiến hành thi công tuyến đường nối Tỉnh lộ 269B đi xóm Hoà Lâm, xã Tân Thành với chiều dài hơn 5,2km, với thiết kế bề rộng mặt được 6,5m, mặt đường đổ bê tông 5,5m dày 24cm.
Theo thuyết minh: Nhà máy, xử lý môi trường công nghệ cao Hoà Lâm Tân Thành được xây dựng là khu xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp với công nghệ tiên tiến, đầu ra là các sản phẩm hữu ích. Việc xây dựng nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao nhằm cụ thể hoá quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt; đảm bảo tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Dự án có tổng mức đầu tư là 245 tỷ đồng (100% vốn đầu tư doanh nghiệp trong nước), với thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (2019-2023).
Tuy nhiên trên thực tế đến nay Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hoà Lâm Tân Thành triển khai khá ì ạch mặc dù đã hết thời hiệu thực hiện theo Quyết định Chủ trương đầu tư số 2737/QĐ-UBND.
Ngày 27/07/2023 UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 1767/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hòa Lâm Tân Thành tại huyện Phú Bình, thay đổi nhiều nội dung cơ bản của dự án đã phê duyệt trước đó.
Cụ thể: Dự án Nhà máy xử lý môi trường công nghệ cao Hòa Lâm Tân Thành sẽ đổi tên thành: Dự án Khu liên hợp xử lý môi trường Phú Bình. Quy mô dự án cũng được thay đổi thành: Công suất xử lý: 1.220 tấn/ngày đêm (gồm: rác thải sinh hoạt: 300 tấn/ngày đêm; rác thải công nghiệp, nguy hại, y tế: 920 tấn/ngày đêm. Giai đoạn 1: Từ 2025 đến năm 2030 Nhà máy hoạt động với công suất 650 tấn/ngày đêm; giai đoạn 2 từ năm 2031 trở đi hoạt động với công suất 1.220 tấn/ngày đêm.
Về diện tích đất sử dụng cũng được thay đổi từ 8,35ha tại xóm Hoà Lâm, xã Tân Thành lên 30ha tại xóm Cầu Muối, xã Tân Thành, huyện Phú Bình. Tổng mức đầu tư dự án tăng từ 245 tỷ đồng lên gần 650 tỷ đồng, trong đó vốn tự có gần 106 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng.
Tương tự, thời gian và tiến độ thực hiện Dự án cũng được điều chỉnh với nội dung: Quý IV/2025 dự án chính thức đi vào hoạt động giai đoạn I và sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào quý IV/2030 với công suất 1.220 tấn/ngày đêm.
Đây không phải là trường hợp duy nhất dự án xử lý môi trường tại Thái Nguyên lỡ hẹn. Một dự án khác là Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tại xã Minh Đức được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2323/QĐ-UBND ngày 30/7/2019 do Công ty cổ phần Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Cụ thể: Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tại xã Minh Đức có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, diện tích 34 ha; theo phê duyệt sẽ thực hiện giai đoạn 1 trong 5 năm từ năm 2019 đến năm 2023. Tuy nhiên đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đang làm các thủ tục để gia hạn đầu tư.
Việc chậm trễ xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý môi trường có công nghệ tiên tiến khiến tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư cũng như giảm thiểu tác hại môi trường từ sản xuất đời sống.
Nguồn: Báo xây dựng