Giải quyết vướng mắc trong sử dụng đất tạo đòn bẩy thu hút nhà đầu tư vào Hải Phòng
Chủ động điều tiết quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư, đặc biệt quỹ đất để thực hiện các dự án hạ tầng, dịch vụ logistics, đô thị, du lịch, là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết vướng mắc trong sử dụng đất tạo đòn bẩy thu hút đầu tư vào Hải Phòng.
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT) cho biết, để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong sử dụng đất tạo đòn bẩy thu hút đầu tư vào Hải Phòng cần phải song song thực hiện hai nhóm giải pháp về đất đai gồm cơ chế, chính sách pháp luật và quy hoạch.
Giải pháp về cơ chế, chính sách, pháp luật đất đai
Hiện nay Chính phủ, Quốc Hội đang tiến hành sửa đổi Luật đất đai, trong nội dung của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai, trong đó đã có quy định những nội dung đổi mới nhằm giải quyết vướng mắc trong sử dụng đất để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng trong thời gian tới.
Cụ thể, về sửa đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; lồng ghép nội dung kế hoạch sử dụng đất cấp thành phố ngay trong quá trình lập, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất của Thành phố.
TS. Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ TNMT. |
Theo TS. Đào Trung Chính cần quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, quy định rõ các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng khác như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển…nhằm tạo điều kiện để thu hút đầu tư từ vốn ngân sách và vốn huy động.
Cần quy định giải quyết lồng ghép thủ tục giao khu vực biển và thủ tục giao đất đối với dự án lấn biển.
Quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; tiêu chí đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và trả tiền hàng năm phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định; tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
Theo ông Chính, cần quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi…
Điều này nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, quy định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư thông qua việc tách nội dung thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn tại trong nhiều năm qua tại các địa phương để giải quyết vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch (condotel, officetel, farmstay,..); việc giao đất, cho thuê đất cho các nhà đầu tư đã được lựa chọn làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật đấu thầu.
Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để phù hợp với thẩm quyền thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Sửa đổi quy định về giá đất, theo đó sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định đơn giản hóa phương pháp định giá đất; làm rõ điều kiện áp dụng từng phương pháp định giá đất; bổ sung quy định chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để đảm bảo tính minh bạch, tránh yếu tố chủ quan của người định.
Đề xuất quy định xử lý cho phép các địa phương được tiếp tục thực hiện việc định giá đất cho các trường hợp đã được giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã nhiều năm trôi qua chưa xác định được giá đất. Cho phép giao đất theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hoàn thiện cơ chế tài chính, huy động vốn đối với tổ chức phát triển quỹ đất, tăng cường năng lực tổ chức phát triển quỹ đất; xây dựng cơ chế trích từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để tăng cường vốn cho phát triển quỹ đất.
Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
TS của Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất đưa ra bốn giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ nhất, khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống quy hoạch; lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết xây dựng để tạo quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư.
Cắm mốc, công bố công khai các quy hoạch được phê duyệt, hạn chế và quản lý chặt chẽ mặt bằng quy hoạch, tránh tình trạng người dân xây dựng nhà ở kiên cố, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô lớn tại các khu vực đã phê duyệt phương án quy hoạch sử dụng đất; đồng thời tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai được dễ dàng, thuận tiện.
Thứ hai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 02/5/2023 về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025 đối với một số chỉ tiêu chính đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong đó chú trọng một số chỉ tiêu khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất cơ sở thể dục thể thao.
Thứ ba, chủ động điều tiết quỹ đất để tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư, đặc biệt quỹ đất để thực hiện các dự án hạ tầng, dịch vụ logistics, đô thị, du lịch,…tạo cơ sở pháp lý để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thu hút đầu tư, đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả.
Theo TS. Đào Trung Chính, cần chủ động điều tiết quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư, đặc biệt quỹ đất để thực hiện các dự án hạ tầng, dịch vụ logistics, đô thị, du lịch. |
Cuối cùng, TS. Đào Trung Chính đề xuất xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trung ương trên địa bàn nhằm tạo điều kiện để Thành phố có quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Lập kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách thông qua hình thức xã hội hóa tạo quỹ đất phát triển kinh tế – xã hội, có chính sách đặc thù thu hút nguồn vốn tạo quỹ đất và khai thác công trình hạ tầng trên địa bàn Thành phố, đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển các khu công nghiệp, các công trình hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển. |
Nguồn: Báo xây dựng