Quận Đống Đa: Vang mãi bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi

Nói đến Đống Đa là nói đến một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống yêu nước, với Văn Miếu-Quốc Tử Giám, với gò Đống Đa…

Quận Đống Đa: Vang mãi bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi
Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Quận Đống Đa nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Phía Bắc giáp quận Ba Đình, phía Đông Bắc giáp quận Hoàn Kiếm (ranh giới là phố Lê Duẩn), phía Đông giáp quận Hai Bà Trưng (ranh giới là phố Lê Duẩn và đường Giải phóng), phía Nam giáp quận Thanh Xuân (ranh giới là đường Trường Chinh và đường Láng), phía Tây giáp quận Cầu Giấy (ranh giới là sông Tô Lịch).

Lịch sử hình thành và phát triển

Những dấu tích khảo cổ học cho thấy vùng đất thuộc quận Đống Đa được người Việt cổ khai phá từ rất sớm. Sau này, quận Đống Đa là một phần đất của Kinh thành Thăng Long, phần đất ở nội thành qua các thời kỳ lịch sử đã nhiều lần thay đổi địa dư và tên gọi.

Năm 1010, trong “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ có nói đến việc dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và sau đó Đại La đổi tên thành Thăng Long. Thăng Long thời Lý gồm 2 khu vực “Thăng Long thành” tức nơi vua ở và thiết triều cùng khu dân cư là nơi làm ăn sinh sống của các hạng sĩ, nông, công, thương gọi là “Thăng Long ngoại thành”, phần lớn quận Đống Đa nay nằm ở khu vực này.

Ngày 21/12/1974, Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định thành lập các tiểu khu. Đống Đa gồm 48 tiểu khu. Tháng 12/1978, Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định sắp xếp lại các tiểu khu. Đống Đa còn 28 tiểu khu, đến năm 1980 số tiểu khu chỉ còn 24.

Sau kỳ họp khóa 8 Hội đồng Nhân dân bàn việc phân cấp quản lý, ngày 10/6/1981 cấp hành chính khu phố đổi là quận, tiểu khu chuyển thành phường; theo đó quận Đống Đa có 24 phường.

Ngày 13/7/1982, kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa 8 đề nghị Quốc hội phê chuẩn lập 2 phường mới là Kim Giang và Thanh Xuân Bắc. Đến đây, quận Đống Đa gồm 26 phường, nằm trên diện tích gần 16km2.

Thực hiện Nghị định số 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ về việc thành lập quận Thanh Xuân, theo đó quận Đống Đa chuyển 5 phường về quận Thanh Xuân. Lúc này quận Đống Đa có 21 phường và được duy trì đến ngày nay.

21 phường gồm Cát Linh, Hàng Bột, Láng Hạ, Láng Thượng, Kim Liên, Khâm Thiên, Khương Thượng, Nam Đồng, Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa, Phương Liên, Phương Mai, Quang Trung, Quốc Tử Giám, Thịnh Quang, Thổ Quan, Trung Liệt, Trung Phụng, Trung Tự, Văn Chương, Văn Miếu.

Văn hóa và truyền thống lịch sử

Đống Đa có địa giới hành chính hẹp, dân cư đông. Nói đến Đống Đa là nói đến một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống yêu nước. Nơi này có Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước, nơi đào tạo, hội tụ nhiều nhân tài cho Thăng Long-Hà Nội.

Vùng đất này cũng là nơi đã từng âm vang tiếng trống trận của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ “Đại phá quân Thanh” làm nên chiến thắng lẫy lừng Ngọc Hồi Đống Đa, ghi dấu son chói lọi vào trang sử vàng dân tộc.

Nơi đây cũng có pháo đài Láng nổ phát súng lệnh cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.

Quận Đống Đa: Vang mãi bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi
Di tích Gò Đống Đa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Di tích – Thắng cảnh

Quận Đống Đa là một trong những khu vực của thành phố Hà Nội có số di tích nhiều và mang giá trị cao.

Một số di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn quận Đống Đa là Văn Miếu-Quốc Tử Giám, di tích Đàn Xã tắc, di tích vòng thành Đại La, Chùa Bộc, gò Đống Đa và tượng đài vua Quang Trung, chùa Láng, đền Bích Câu, ga Hà Nội…

Các điểm tham quan không quá xa nhau, tạo điều kiện cho du khách có thể tham quan tất cả các nơi mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển.

Gò Đống Đa

Quận Đống Đa có rất nhiều di tích lịch sử trải dài hàng trăm năm, trong đó chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa gắn liền với di tích Gò Đống Đa là mốc son lớn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đây là chiến công của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là minh chứng lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhân dân ta.

Đây cũng là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc của truyền thống yêu nước, yêu độc lập-tự do; cùng với đó là tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường ngàn đời của nhân dân ta.

Hàng năm, vào ngày 5 Tết âm lịch, nơi đây diễn ra lễ hội gò Đống Đa với nhiều nghi lễ truyền thống như như tế lễ, rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân; lễ dâng hoa, dâng hương, chúc văn tại tượng đài, đền thờ Hoàng đế Quang Trung; biểu diễn trống hội…

Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Văn Miếu-Quốc Tử Giám được biết đến là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đây cũng được coi là địa chỉ văn hóa, du lịch sáng giá vào bậc nhất của Thủ đô và cả nước.

Di tích này được xây dựng năm Canh Tuất, tháng Tám, niên hiệu Thần Võ thứ hai (9-1970) đời vua Lý Thánh Tông.

Quần thể di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám có quy mô khá rộng, mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài 306m, mặt trước rộng 61m, mặt sau 75m, nằm trong bức tường bao quanh toàn bằng những viên gạch vồ cỡ lớn – một loại vật liệu phổ biến của thời Hậu Lê.

Đặc biệt, vào dịp Tết Âm lịch, nơi này còn diễn ra hội chữ Xuân với tục “xin chữ” đầu năm, một nét văn hóa truyền thống đẹp, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Quận Đống Đa: Vang mãi bản hùng ca lịch sử chiến thắng Ngọc Hồi
Phố Khâm Thiên bị B-52 ném bom phá hủy (12/1972). (Ảnh: Tư liệu TTXVN.)

Phố Khâm Thiên

Vào lúc 22h15 ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã đưa máy bay B52 tới ném bom rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên làm 283 người chết, 266 người bị thương, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà và làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác.

Đài kỷ niệm ngày 26/12/1972 nằm trên khu đất ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên với bức tượng người mẹ xõa tóc ôm đứa con bất động là hình ảnh mãi mãi khắc ghi trong tâm trí người Hà Nội, để nhớ về một thời đau thương mà cũng đầy hào hùng chiến đấu chống ngoại xâm.

Đền Kim Liên

Là một trong “Thăng Long tứ trấn” của Hà Nội, đền được lập ra là thờ Cao Sơn Đại Vương (theo tín ngưỡng dân gian đây là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ).

Đây là ngôi đền linh thiêng trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long. Di vật quan trọng nhất của nơi này là tấm bia đá đen bên cạnh cây si có gốc to cả chục người ôm không xuể.

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang. Đây là một ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội. Chùa thường tổ chức nhiều khóa lễ lớn và khóa lễ lớn nhất là khóa lễ đầu năm “Đại lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình” diễn ra vào tối 14 tháng Giêng Âm lịch hằng năm.

Không những thế chùa còn thu hút chư khách thập phương bởi lễ dâng sao giải hạn đầu năm, thường được tổ chức vào ngày mùng 8, 15 và 18 tháng Giêng.

Du lịch – Vui chơi

Với số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng, học viện, quận Đống Đa có rất nhiều tụ điểm vui chơi, giải trí, ẩm thực không chỉ thu hút giới học sinh, sinh viên, mà ngay cả dân văn phòng cũng thường chọn nơi này làm địa điểm nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống bên bạn bè.

Phố Chùa Láng

Là nơi tọa lạc của hai ngôi trường “hot” của Hà Nội là Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao, cách không xa là Đại học Luật và Học viện Hành chính Quốc gia, có thể nói Chùa Láng chính là một phố sinh viên đặc trưng của Hà Nội, thiên đường của ăn vặt.

Tại đây bạn có thể ăn từ thịt xiên, nem chua rán đến bánh gối, bánh giò, lẩu, với vô vàn quán càphê xinh xắn để nghỉ chân trò chuyện với bạn bè.

Hồ Đắc Di

Tuy được đặt tên theo một nhân vật lịch sử, nhưng nhiều người vẫn lầm tưởng Hồ Đắc Di là tên gọi của chiếc hồ nhỏ giữa lòng phố này. Nơi đây là một tụ điểm ẩm thực khác với quán ốc ở phố Nam Đồng, các loại sườn nướng, vịt quay, bíttết, miến lươn, mỳ trộn…

Tuy không có cái tên nào thực sự đặc sắc, nhưng nơi này cũng cung cấp cho thực khách nhiều lựa chọn đa dạng.

Khu tập thể Kim Liên

Những khu tập thể cũ kỹ nhưng lại tràn ngập ánh sáng mang đến những ký ức về tuổi thơ cho nhiều thế hệ người Hà Nội.

Khu tập thể Kim Liên với những món ăn cũ kỹ hàng chục năm như thạch rau câu, chè, cháo sườn và những món ăn vặt bắt kịp xu thế như chè thạch, bánh mỳ mật ong… là sự lựa chọn của hợp lý cho những buổi chiều rảnh rỗi.

Chợ hàng thùng Đông Tác

Trước khi các shop quần áo 2hand trở thành xu hướng trên mạng, thì hàng chục năm trước đó nơi này đã là một thiên đường của quần áo cũ, hay còn được gọi là quần áo “hàng thùng.”

Những shop quần áo cũ kéo dài hết khu vực phố Đông Tác, sang tận khu vực gần Phạm Ngọc Thạch-Lương Định Của, và kéo đến tận đầu Xã Đàn.

Tuy quần áo ở đây thường cũ hơn và ít chọn lọc hơn các cửa hàng riêng lẻ ở những nơi khác, nhưng nếu chịu khó dành cả một buổi sáng hoặc chiều dạo quanh khu vực này, bạn vẫn có thể thu hoạch được “kha khá” những món đồ chất lượng tốt với giá rất rẻ./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích