Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/8/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Tỉnh Lào Cai yêu cầu dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng sau sự cố vỡ hồ chứa nước thải

UBND tỉnh Lào Cai vừa ra văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần đồng Tả Phời – Vinacomin tạm thời dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng để tập trung khắc phục sự cố vỡ cống D2000 hồ thải quặng đuôi, xảy ra ngày 8/8.

tm-img-alt
Tỉnh Lào Cai yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng sau sự cố vỡ hồ chứa nước thải.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ngoài yêu cầu tạm thời dừng hoạt động nhà máy tuyển đồng Tả Phời để tập trung khắc phục sự cố vỡ cống D2000 hồ thải quặng đuôi, đơn vị mỏ còn được yêu cầu huy động trang thiết bị, nhân lực tổ chức nạo vét thu hồi toàn bộ bùn thải tại các khu vực lắng đọng ngoài môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng giao UBND TP. Lào Cai, xã Tả Phời và các xã giáp ranh khuyến cáo người dân tạm thời không lấy nước trực tiếp để phục vụ cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi và các mục đích khác; không tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nước thải và chất thải từ nhà máy sau sự cố.

Hiện, 46 hộ dân bị ảnh hưởng trong sự cố này đã được bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ, điều kiện sinh hoạt. Chính quyền địa phương cử lực lượng trông coi tài sản của người dân và đang tiếp tục rà soát thiệt hại của các hộ bị ảnh hưởng.

Bắc Giang tập trung ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn hồ đập

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các người đứng đầu UBND huyện, TP và thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, an toàn hồ đập.

Trước mắt, cần thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét. Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Đồng thời tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở. Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy…

Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, các địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng.

tm-img-alt
Sạt lở đá do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài tại thôn Trúc Tay, xã Vân Trung (Việt Yên) hôm 5/8.

“Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

Tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính khoa học, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai.”- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo.

Sạt lở nghiêm trọng bờ, vở sông Thao tại Phú Thọ

Do ảnh hưởng của dòng chảy xiết, chế độ dòng chảy sông Thao thay đổi, lòng sông thuộc khu vực xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị xói sâu, gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ, vở sông đê tả Thao thuộc địa bàn xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao.

Tổng chiều dài sạt lở khoảng 655m, trong đó gây sạt lở khoảng 355m kè Bản Nguyên, đây là tuyến kè bảo vệ cho hơn 1.000 hộ dân của xã Bản Nguyên và Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao. Hiện nay trong khu vực xuất hiện nhiều cung sạt kéo dài nguy cơ tiếp tục bị sạt lở mạnh.

tm-img-alt
Điểm sạt lở ngày càng lớn cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu đe dọa cuộc sống của người dân xã Bản Nguyên.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Nguyên Vương Văn Ưng, nguyên nhân khiến bờ, vở sông bị sạt lở là trong thời gian gần đây trên thượng nguồn sông Thao xảy ra mưa lớn khiến mực nước dâng cao tạo ra dòng chảy xiết, cộng với kết hợp phía bờ hữu và giữa lòng sông có bãi bồi lớn làm dòng chảy thay đổi, dòng chủ lưu áp sát bờ tả gây nên tình trạng sạt lở.

Nếu không được xử lý kịp thời sẽ uy hiếp đến an toàn công trình đê điều, tính mạng tài sản của nhân dân. Trước mắt, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cơ quan chức năng và người dân hai xã Vĩnh Lại, Bản Nguyên đã cắm biển cảnh báo không cho người, gia súc ra khu vực sạt lở; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến tình hình sạt lở, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, có biện pháp để bảo đảm an toàn cho người dân.

Hiện, Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai đang phối hợp tỉnh Phú Thọ tiến hành khảo sát, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phương án xử lý, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và an toàn công trình đê điều.

Công bố 3 Quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 (Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia); Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản); Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26.7.2023 (Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược; dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng. Đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 – 80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.

Mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ ập trung làm thật tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra; Khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện; trong đó, cần xác định rõ các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các Quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch; đồng thời, chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương (như quy hoạch về đất đai, xây dựng), làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật và cơ chế chính sách có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2021-2030) và các kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành, địa phương…

Các Tập đoàn, Tổng công ty năng lượng, khoáng sản và các Hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Quy hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; Nỗ lực triển khai các dự án đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất và quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác (trong và ngoài nước), nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sạt lở làm 6 căn nhà sụp đổ xuống sông Tiền

Mới đây, tại bờ Bắc sông Tiền, địa bàn ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (thuộc bến phà Mỹ Thuận cũ) đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, làm 6 căn nhà sụp đổ toàn bộ xuống sông Tiền. Thời điểm này, người dân khẩn trương rời khởi hiện trường nên không làm ảnh hưởng đến tính mạng con người.

tm-img-alt
Tại khu vực sạt lở có nhiều nhà dân kém an toàn

Toàn bộ tài sản trong các căn nhà trên đều bị nước ngập gây thiệt hại nặng. Gần khu vực sạt lở còn có biểu hiện đất ven sông bị bong bức có nguy cơ sạt lở tiếp theo, đe dọa nhiều nhà ở của người dân nơi đây. Sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh, huyện đã đến khảo sát, thống kê mức độ thiệt hại và hỗ trợ các hộ dân bị thiên tai thu dọn hiện trường, trục vớt tài sản và khắc phục nơi ở.

Lãnh đạo UBND huyện Cái Bè đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ bước đầu cho mỗi hộ dân bị nạn số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cái Bè đã xảy ra 36 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 6km. Đối với các điểm sạt lở “hàm ếch” như tại xã Hòa Hưng cần nguồn kinh phí lớn để khắc phục ngoài khả năng của huyện.

Bão Khanun đổ bộ Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc khẩn cấp ứng phó

Theo Reuters, thông tin từ Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết sáng 10/8, bão Khanun đã đổ bộ vào bờ biển phía Đông Nam nước này và đang hướng tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây là cơn bão mạnh và đang gây ra mưa lớn trên phạm vi toàn quốc. Cơn bão này cũng có thể tấn công thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.

Bão Khanun di chuyển với tốc độ chậm 22 km/giờ, đã đến bờ biển gần thành phố Geoje phía Đông Nam Hàn Quốc vào khoảng 9 giờ 20 phút (giờ địa phương) và tiếp tục đi qua các đô thị như thành phố Daegu, hướng lên phía Tây Bắc của thành phố Cheongju.

Dự kiến bão Khanun sẽ quét qua khu vực cách Seoul 40km vào khoảng 21 giờ và tiếp tục hướng lên phía Bắc vượt biên giới liên Triều sau nửa đêm nay.

Theo Cục Khí tượng Hàn Quốc, bão Khanun có đường đi rất đặc biệt và đây là cơn bão đầu tiên đi xuyên qua bán đảo Triều Tiên theo trục dọc kể từ khi cơ quan này lưu giữ thông tin năm 1951.

Nếu hướng di chuyển của nó tiếp tục như dự đoán, cơn bão sẽ mất khoảng 15 giờ để đi qua Hàn Quốc theo hướng từ Nam lên Bắc, gây ra mưa lớn và gây thêm nhiều thiệt hại.

tm-img-alt
Nhân viên cứu hộ tham gia hoạt động cứu hộ tại một thị trấn bị bão Khanun nhấn chìm ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 10/8/2023. Ảnh: Reuters

Lee Hyun-ho, giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Quốc gia Kongju cho biết: Khanun là cơn bão đầu tiên đi qua bán đảo Triều Tiên. Nhiệt độ mặt nước biển tăng lên đã khiến nó hoạt động mạnh hơn.

Nhiệt độ càng tăng, năng lượng mà các cơn bão có thể nhận được càng lớn. Vì vậy, chúng ta có thể sẽ chứng kiến những cơn bão thậm chí còn mạnh hơn trong tương lai.

Giáo sư khoa học khí quyển Lee Hyun-ho, Đại học Quốc gia Kongju

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo về cơn bão này trên toàn quốc. Cục Khí tượng Hàn Quốc dự báo lượng mưa có thể lên tới 500mm ở các khu vực ven biển phía Đông Bắc và từ 100 – 200mm ở vùng thủ đô, các khu vực ven biển miền Trung và phía Tây cho đến sáng sớm ngày 11/8.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích