Đề xuất tăng 5 – 6% lương tối thiểu vùng năm 2024
Chia sẻ tại phiên họp, ông Lê Đình Quảng, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: đời sống người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong hơn một năm qua khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Tuy nhiên trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.
Điều này cần được xem xét để vừa đảm bảo động viên người lao động làm việc có năng suất, chất lượng, để tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả. Đó là bài toán cần phải được tính kỹ càng. “Chúng tôi chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt”, cùng với căn cứ vào kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 vì vậy mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5 – 6%.
Việc tăng lương này vừa là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng trước hết là đảm bảo cho người lao động duy trì mức sống tối thiểu.
Theo kết quả khảo sát được tiến hành ở 6 tỉnh (chủ yếu ở vùng 1) với gần 3.000 lao động ở nhiều loại hình doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn thực hiện, có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu.
Chỉ có 8,1% người lao động có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tiền lương thấp khiến 17,3% người lao động được khảo sát phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe doạ, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.
Thu nhập trung bình của 2.982 người lao động khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng của họ; 23,3% thu nhập khác khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan tại buổi báo, ông Lê Văn Thanh đề nghị đại diện các bên liên quan tiếp tục tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế – xã hội để đến kỳ họp vào quý 4.2023 sẽ xem xét đề xuất mức tăng cụ thể lương tối thiểu vùng cho phù hợp với thực tế.
Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất sẽ họp bàn và đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, dự kiến vào tháng 11.2024.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu