Tết Trung thu trong miền ký ức

Theo phong tục dân gian, rằm tháng Tám được gọi là Tết Trung thu với ý nghĩa tạ ơn và sum vầy đoàn viên. Người dân bày cỗ Tết Trung thu để tạ ơn đất trời đã cho mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình sum họp cùng ngắm trăng, tặng đồ chơi, cho quà các trẻ nhỏ.

Tết Trung thu trong miền ký ức
Ảnh minh họa.

Trên mâm cỗ Trung thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo. Đây là hai loại bánh truyền thống thường có hình vuông với các loại nhân truyền thống như thập cẩm, hạt sen đậu xanh… Ngoài ra, mâm cỗ Trung thu còn bày rất nhiều các loại hoa quả đa màu sắc mang thông điệp thú vị về ngũ hành âm dương.

Ngày còn nhỏ, ở khu phố giữa lòng Hà Nội nơi tôi sống, nhà nào cũng tổ chức bày mâm cỗ trông trăng. Đôi khi, cả khu tập thể cùng bày chung một mâm cỗ để tất cả trẻ em cùng đón Tết Trung thu. Ngay từ buổi chiều, các bà các mẹ đã tất bật cắt tỉa hoa quả, bày biện mâm cỗ sao cho đẹp mắt.

Mâm cỗ Trung thu bỗng trở nên sinh động bởi những chú chó bông trắng tinh được làm từ quả bưởi với hai mắt đen lay láy bằng hạt na. Các bà các mẹ còn ghép quả nho và quả lê làm ra những chú nhím thật ngộ nghĩnh. Trên mâm cỗ Trung thu ở khu tập thể nhà tôi thường có đôi cá chép trông trăng bằng bánh nướng, bánh dẻo. Con cá làm từ bánh nướng căng bóng với lớp vảy vàng ươm, dáng bơi thật hùng dũng. Bên cạnh đó là con cá làm từ bánh dẻo trắng mịn với tư thế uốn lượn uyển chuyển. Rải rác đây đó trên mâm cỗ là những chiếc giỏ tre xinh xắn đựng đàn lợn bé xíu làm bằng bánh nướng thật đáng yêu.

Lũ trẻ chúng tôi háo hức, lăng xăng quanh mâm cỗ từ chiều để chờ đến giờ rước đèn đón trăng. Dưới ánh trăng dịu dàng, chiếc đèn kéo quân lớn đặt cạnh mâm cỗ Trung thu được đốt sáng, các hình ảnh sinh động nối nhau chạy vòng tròn trong đó. Chúng tôi xách trên tay những chiếc đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ nối đuôi nhau “rồng rắn” khắp các ngõ ngách, khu phố. Không khí thật rộn rã với tiếng trống bỏi, trống ếch được gõ inh ỏi hòa cùng những bài đồng dao vui nhộn. Lũ trẻ chúng tôi còn chạy theo xem màn múa sư tử và một “ông địa” bụng phệ với chiếc mặt nạ má đỏ hây hây, tay phe phẩy cái quạt vờn nhau dập dìu khiến ai xem cũng phải bật cười thích thú.

Sau khi đã đi rước đèn khắp phố, chúng tôi quay về nơi bày cỗ trông trăng có bố mẹ đang chờ. Một bác lớn tuổi đứng lên phát biểu, chúng tôi lần lượt biểu diễn văn nghệ và được thưởng vài món đồ chơi xinh xắn. Khi trăng đã lên cao, chúng tôi được “phá cỗ” thỏa thích mâm cỗ Trung thu với bao món vừa ngon vừa đẹp. Niềm vui của Tết Trung thu theo chúng tôi vào cả trong giấc mơ đêm rằm để rồi năm sau lại hân hoan đón chờ ngày vui đoàn viên.

Năm tháng trôi, tuổi không còn trẻ nữa, nhưng mỗi độ thu về, lòng tôi lại nao nao nhớ về ánh đèn lung linh của những chiếc đèn ông sao, nhớ tia lửa lách tách huyền ảo của xâu hạt bưởi phơi khô với hương tinh dầu thơm thơm trong gió. Vâng, Tết Trung thu luôn là một lát cắt kỷ niệm tuyệt đẹp trong ngăn ký ức của tôi.

Tường Vy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích